Giá cả còn cao so với đại bộ phận người dân và hạ tầng chưa hoàn thiện khiến nhiều dự án bất động sản ế ẩm |
Sớm đưa kiến nghị vào thực tiễn
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tập trung rà soát các dự án bất động sản, trong đó, yêu cầu những dự án cần phải dừng lại khi chưa giải phóng mặt bằng và yêu cầu chủ đầu tư phải cơ cấu lại dự án, cơ cấu lại sản phẩm để tăng các loại nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp.
Đặc biệt, ông Dũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế VAT cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu; cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở.
Ông Dũng trước đó đã chỉ ra nguyên nhân gây nợ xấu trong tín dụng bất động sản. Đó là, thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến cung vượt xa cầu. Sản phẩm bất động sản chủ yếu là cao cấp và trung bình, sản phẩm phục vụ cho người thu nhập thấp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cơ cấu sản phẩm bất hợp lý nên khó bán, dẫn đến tồn kho nhiều.
Chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Dũng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, để giải quyết một cách căn cơ về nợ xấu, cần thực hiện nhanh vấn đề khơi thông thị trường, giải quyết hàng tồn kho thông qua giải quyết tăng cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà để thúc đẩy thị trường bất động sản.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị Nhà nước có thể đứng ra mua sản phẩm bất động sản của DN để bán lại cho dân, trong đó có cán bộ công nhân viên với giá hợp lý, như vậy huy động được nguồn lực lớn trong dân vào hoạt động tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và các DN.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK bên lề kỳ họp, đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) cũng ủng hộ đề xuất của lãnh đạo Bộ Xây dựng, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần sớm cho phép triển khai thực hiện những đề xuất trên.
Khoanh nợ BĐS để giải phóng hàng tồn
Người đứng đầu một thành phố lớn của khu vực miền Trung, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (TP. Đà Nẵng) đã thẳng thắn vạch ra một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ngoài lý do thị trường bất động sản đóng băng, giảm giá, theo ông Thanh, còn một vấn đề cực kỳ phức tạp, đó là người ta đã nâng khống giá trị bất động sản thế chấp.
Ông Thanh ví dụ, trước kia, với một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, chỉ bằng một hợp đồng mua bán, chủ khu đất có thể nâng khống giá trị lên 800 - 1.000 tỷ đồng và đem thế chấp ngân hàng để được vay 600 tỷ đồng. Đến thời điểm này, giá trị khu đất chỉ còn chưa tới 100 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã mất đứt hơn 500 tỷ đồng với khoản cho vay khu đất, thậm chí bán cũng không có ai mua. “Đương nhiên, cả người đi vay và người cho vay đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng khi thực hiện những phi vụ kiểu này. Hậu quả là có những khoản nợ xấu không bao giờ có thể đòi được. Thông thường, khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất, nhưng với các dự án bất động sản, ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao?”, ông Thanh đặt câu hỏi.
Về giải pháp xử lý “cục máu đông” nợ xấu bất động sản, theo ông Nguyễn Bá Thanh, việc cần làm ngay lúc này là thực hiện phân khúc thị trường bất động sản và phân loại dự án bất động sản. Đối với những dự án có tính khả thi cao, cần được giãn nợ, khoanh nợ và cho vay mới để thúc đẩy dự án, làm cho thị trường bất động sản ấm dần lên mới mong giải quyết được bài toán tồn kho và nợ xấu. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách nợ xấu, bởi muốn xử lý đúng thì cần phải phân loại cho đúng.