105 hộ dân ở khối 3, phường Cửa Nam (TP. Vinh) mòn mỏi chờ được tái định cư. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại diện cho các hộ, phản ánh: 105 hộ dân thuộc khối 3 phường Cửa Nam, TP.Vinh (Nghệ An) đã sinh sống trên 30 năm tại khu vực Thành cổ Vinh, bao gồm các hộ dân cư thuộc Sở Văn hóa Thông tin cũ: Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, Bảo tàng tổng hợp Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh, Cty Phát hành sách Nghệ An.
Nhà và đất của 105 hộ có nguồn gốc mua nhà tập thể thanh lý của các cơ quan từ 1990 - 1991, đã nộp tiền vào ngân sách; hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, hồ sơ trích lục địa chính có tại UBND các cấp.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, 105 hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ, ngoài ra còn không được cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở do vướng quy hoạch Thành cổ.
Nhận được kiến nghị của dân, ngày 10.12.2012, UBND TP. Vinh ban hành công văn số 4702 có nội dung các hộ dân ở trong khu vực quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh sẽ được bố trí tái định cư tại phường Quán Bàu, thời gian dự kiến hoàn thành và giao đất tái định cư vào năm 2014.
Tuy nhiên, đến nay, lời hứa của UBND TP. Vinh vẫn nằm trên giấy. Ngày 14.6.2018, UBND TP.Vinh ban hành công văn số 3314 trả lời đơn kiến nghị của công dân, cho rằng, đất 105 hộ dân đang ở không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, với lí do giấy tờ mua nhà tập thể hóa giá không thuộc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, các thửa đất không phù hợp quy hoạch (vì đã có quy hoạch Công viên Thành cổ từ năm 2008).
Làm việc với UBND TP. Vinh, PV Báo Lao Động được cung cấp kết quả rà soát của tổ công tác thuộc UBND TP. Vinh (thể hiện tại báo cáo ngày 26.4.2018), khẳng định:
Các giấy tờ mua nhà tập thể thanh lý của các hộ dân không gắn liền với đất ở, việc thanh lý, hóa giá tài sản tập thể của các cơ quan không đúng quy trình, quy định, vị trí đất không phù hợp quy hoạch.
Còn ông Nguyễn Hoàng Sơn xuất trình hồ sơ biên bản thanh lý nhà và giao cho các hộ khu tập thể Bảo tàng Nghệ An lập ngày 9.9.2012 với sự tham gia của đại diện Sở Tài chính vật giá, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Nghệ An và 12 hộ là cán bộ bảo tàng. Nội dung biên bản: Bán 12 gian nhà cho các hộ sửa chữa sử dụng.
Sau đó, các hộ đã nộp tiền vào ngân sách và ở từ đó đến nay, thời gian sau đã nộp các loại thuế, phí liên quan đến nhà, đất.
Ông Sơn cho rằng, đây là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất quy định tại điểm g, khoản 1, điều 100 Luật Đất đai 2013: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất: Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Ông Sơn cũng bức xúc vì quy hoạch Thành cổ Vinh đã bị “treo” từ năm 2008 đến nay (10 năm), nhưng chưa có động tĩnh gì và không biết đến bao giờ mới thực hiện vì chưa có kinh phí.
Phía UBND TP.Vinh cũng gửi đến các hộ dân 1 lời hứa “treo” là do khó khăn về nguồn kinh phí và quỹ đất tái định cư, nên sẽ thực hiện quy hoạch “khi đủ điều kiện”. “Họ nói như vậy, nghĩa là 105 hộ dân chúng tôi với mấy trăm con người không biết chờ đợi đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh dở dang này” - ông Nguyễn Hoàng Sơn than thở.