Dù sống trong khu đô thị mới nhưng nhiều người dân ở Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An) không có đường đi vào nhà, phải đi tạm trên đất của nhà khác.

Ngày 13/7, PV Báo Giao thông có mặt tại Khu đô thị (KĐT) Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh ở xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Dù mang danh là KĐT mới nhưng theo ghi nhận thì dự án còn rất ngổn ngang, nhếch nhác.

Tòa biệt thự khổng lồ ở KĐT Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh bỏ hoang

Bên cạnh những ngôi biệt thự khang trang, hiện đại thì vẫn còn nhiều biệt thự khác chỉ mới xây xong phần thô. Do đã bỏ hoang nhiều năm nên tường nhà rêu phong, ẩm mốc; xung quanh cây cối mọc um tùm.

Chưa hết, nhiều tuyến đường ở phía trong KĐT đang bỏ dở hơn chục năm trời chưa hoàn thành. Thậm chí có gia đình đã làm nhà ở, nhưng chưa có đường vào, phải mượn đất của hộ khác để đi lại. Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Hạ Long (76 tuổi).

Chỉ vào lối mòn giữa 2 mảnh đất trống mà gia đình mượn đi một thập kỷ qua, ông Long bức xúc: Để có căn nhà này, gia đình tôi đã bỏ ra số tiền gần 2 tỷ đồng vào năm 2010. Đến nay đã hơn 1 thập kỷ trôi qua nhưng vẫn chưa có đường để đi. Cực chẳng đã, gia đình tôi phải mượn đất của 2 gia đình khác đang bỏ trống để đi nhờ.

Ông Long cho biết: Theo quy hoạch, phía trước nhà ông là con đường rộng 9m nhưng 1 thập kỷ trôi qua vẫn chưa thấy bóng dáng con đường này.

“Theo quy hoạch, ở trước mặt nhà tôi (phía Nam KĐT) có một con đường rộng 9m, kết nối với các tuyến đường khác ở bên trong KĐT. Thế nhưng đã hơn 10 năm nay, tuyến đường này vẫn chưa được triển khai thi công.

Giờ chỉ cần một trong hai gia đình cho mượn đất làm nhà cửa thì cả gia đình tôi chỉ còn nước ra bụi ở, vì có nhà mà chẳng có đường để đi”, ông Long lo lắng.

Đây cũng là tình cảnh dở khóc dở cười của nhà ông Sơn, bà Nga và nhiều hộ dân khác sau khi mua đất ở đây. Đáng nhẽ ra phía trước nhà họ sẽ là con đường nhưng 10 năm nay vẫn là đám ruộng, lùm cây.

Cũng theo người dân nơi đây, sau hơn 10 năm mua đất, đến nay KĐT đã có hơn 50 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên chỉ mới khoảng 6 hộ gia đình được cấp sổ đỏ, dù đã nộp đầy đủ các khoản tiền thuế, phí, tiền mua nhà từ nhiều năm trước.

Để có đường ra vào nhà, gia đình ông Long phải mượn đất của 2 gia đình khác nên lối ra vào cũng phải làm tạm bợ.

Ngoài ra, khi mua đất dự án, bản quy hoạch có đầy đủ siêu thị rau quả, khu vui chơi công cộng, khoảng không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Đến khi những lô đất này đã được chia lô, xây dựng nhà để bán; khu siêu thị rau quả thì trở thành cửa hàng kinh doanh ô tô Kim Liên, người dân mới tá hỏa giật mình.

Chưa hết, hệ thống hạ tầng đường sá trong khu đô thị mới vẫn còn dở dang, cụt đầu, cụt đuôi, nhiều đoạn đường mưa xuống là ngập nước, mặt đường nứt rạn, hư hỏng... Tiền điện, tiền nước cũng thu không theo một quy định nào của nhà nước.

Được biết, KĐT Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (hay còn gọi Khu đô thị Vinaconex 9) được xây dựng tại xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An) do Công ty CP Vinaconex 9 làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai từ những năm 2003 và bán cho dân vào ở từ năm 2007. Thời điểm đó, khách hàng được giới thiệu viễn cảnh về một khu đô thị khang trang, hiện đại, thuộc dạng bậc nhất, nhì TP Vinh lúc bấy giờ.

Theo người dân, nhiều con đường khác cũng đang dang dở

Một lãnh đạo xã Nghi Phú, TP Vinh cho biết: Hiện cư dân tại đây đang thuộc sự quản lý của chủ đầu tư, số hộ nhập khẩu về xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thời gian tới, xã đề xuất thành phố nhập khẩu cho các hộ dân tại khu đô thị này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho họ.

Để có cái nhìn khách quan, PV đã liên hệ qua điện thoại (theo số mà người dân vẫn thường liên hệ) với ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng KĐT Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng không được hồi âm.

Người dân sống tại đây cho biết, nhiều lần đã kiến nghị chủ đầu tư nhưng câu trả lời nhận được chỉ qua loa và sự đùn đẩy trách nhiệm. “Họ trả lời, nhà nước đang nợ tiền họ và tuyến đường 9m nói trên là nhà nước phải làm”, người dân mua đất tại dự án này bức xúc.

Sỹ Hòa (Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.