Phiên giao dịch ngày 10/09, thị trường bất ngờ điều chỉnh giảm mạnh vào cuối phiên, một kết quả mà cách đó vài tiếng ít có chuyên gia hay nhà đầu tư nào nghĩ tới. Bởi hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng kết thúc tuần giao dịch tốt đẹp của thị trường.


Bước vào phiên giao dịch này, nhà đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ các thị trường chứng khoán thế giới. Trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ đạo rà soát lại một số nội dung của Thông tư 13 cũng thắp lên hy vọng cho nhà đầu tư về sự điều chỉnh của thông tư này.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, càng gần về cuối năm, các ngân hàng thương mại sẽ tăng cường cho vay nhanh đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng nhằm đạt kế hoạch đề ra là dấu hiệu tích cực cho dòng tiền.

Sự hưng phấn của nhà đầu tư trong phiên trước cũng có thể xem là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, tổng hợp các yếu tố này chỉ giúp cho thị trường xanh nhẹ trong một vài phút đầu phiên.

Cuối đợt khớp lệnh mở cửa, VN-Index giảm nhẹ 0.27 điểm, tương đương 0.06%, tạm chốt ở 463.41 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể so với cùng kỳ các phiên gần đây, chỉ còn hơn 3.6 triệu đơn vị, trị giá hơn 85 tỷ đồng.

Lực cung và cầu đều thận trọng, điều đó giải thích vì sao thị trường có đến 83 mã giảm, 78 mã đứng giá và chỉ có 49 mã tăng, còn lại là các mã chưa có giao dịch.

Cùng thời điểm này (9h00) trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 1.05 điểm, tương đương 0.77% và tạm thời ở mức 135.19 điểm. Thanh khoản đạt hơn 9.27 triệu đơn vị, trị giá 226.31 tỷ đồng. Thị trường khá cân cân bằng khi số mã giảm là 104, số mã tăng 108 và có 119 mã đứng giá hoặc chưa có giao dịch.

Khoảng giữa phiên, lực cầu có xu hướng mạnh lên giúp hai chỉ số nhích nhẹ lên khỏi mức tham chiếu. Tuy nhiên bên mua nhanh chóng bị “đàn áp”, từ đây thị trường hoàn toàn thuộc về người bán cổ phiếu.

Lo ngại về sự điều chỉnh của thị trường trong những phiên đầu tuần sau khi lượng cổ phiếu lớn được mua vào đầu tuần này về đến tài khoản nhà đầu tư. Chính tâm lý thận trọng đó khiến lực cầu không còn mạnh như trước, hoặc chỉ chấp nhận mua với giá thấp.

Trong khi đó, việc các chỉ số càng tiến đến các mức kháng cự mạnh trong ngắn hạn, bên bán càng có lý để chốt lời nhằm bảo toàn lợi nhuận trước những biến động tăng giảm mang tính ngắn hạn của thị trường. Kết quả là càng về cuối phiên, lực bán ra hơn, thị trường lao dốc không phanh.

Cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index giảm 8.68 điểm, tương ứng với mức giảm 1.87%, tạm chốt ở 455 điểm. Lượng giao dịch đạt gần 40 triệu cổ phiếu và giá trị vượt trên 1,010 tỷ đồng.

15 phút của đợt khớp lệnh đóng cửa, áp lực bán càng tăng cao, tuy nhiên lực cầu giá thấp cũng theo đó gia tăng nhưng không đủ sức phục hồi. Thị trường tiếp tục trượt dài, VN-Index giảm tổng cộng 2.65% so với phiên trước, tương đương 12.29 điểm và đóng cửa phiên này tại 451.39 điểm. Bảng điện tử tràn ngập trong sắc đỏ, cổ phiếu từ lớn đến nhỏ đều giảm giá với 203 mã, trong đó 97 giảm với giá sàn. Chỉ có 26 mã tăng điểm ít ỏi và 21 mã đi ngang.

Tuy nhiên lượng cổ phiếu giao dịch đã gia tăng mạnh trong đợt này với gần 12 triệu đơn vị được chuyển nhượng, nâng khối lượng giao dịch 3 đợt lên 51.72 triệu đơn vị, tương ứng với 1,291 tỷ đồng giá trị. Tính cả đợt giao dịch thỏa thuận, thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 53 triệu đơn vị, trị giá trên 1,329.47 tỷ đồng.

Việc nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh lượng mua vào xuống chỉ còn 2.24 triệu đơn vị, trong đó lượng mua cao nhất dành cho mã DPM cũng chỉ đạt hơn 174 ngàn đơn vị, thấp hơn rất nhiều so với một vài phiên trước, các mã mua nhiều tiếp theo là BVH, FPT, HAG, KDC. Lượng bán ra của họ cũng giảm xuống 1.64 triệu đơn vị.

Theo CTCK FPT, ngưỡng kháng cự 467 đã chứng tỏ là ngưỡng cản khá lớn của VN-Index. Trong phiên trước (09/09) lực bán của thị trường cũng đã phản ứng khá mạnh khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng này. Phiên giao dịch hôm nay, bất ổn và khủng hoảng đã xảy ra khi VN-Index một lần nữa không vượt qua được ngưỡng này.

Phiên giao dịch mở đầu tuần tới (13/09), sàn HOSE chính thức kéo dài kéo thời gian giao dịch khớp lệnh thêm 15 phút và giao dịch thỏa thuận kéo dài từ 8h30 đến 11h00. Tuy nhiên, với động thái của nhà đầu tư trong phiên này, sự kiện kéo dài thời gian giao dịch khó có thể giúp cho thị trường khởi sắc.

Kết thúc sau sàn HOSE 30 phút, tuy nhiên đà giảm của sàn HNX không được rút ngắn, chỉ số HNX-Index vẫn giảm mạnh 5.09 điểm (tương đương 3.74%) xuống còn 136.24 điểm. Thanh khoản tiếp tục tăng vọt lên gần 57.8 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1,369.53 tỷ đồng, đánh dấu phiên thứ 2 qua mặt sàn HOSE.

Cafeland.vn - Theo Vietstock
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland