Giám đốc Công ty xây dựng T.H (Thủ Đức) chia sẻ, năm 2011, sau khi quyết toát thu chi các công trình đã hoàn thành, công ty bị lỗ gần 700 triệu đồng. Nguyên nhân là do thời điểm đấu thầu công trình, giá vật liệu xây dựng (VLXD) chưa tăng, nhưng tới khi khởi công xây dựng thì cả giá vật liệu lẫn giá nhân công đồng loạt tăng, kéo theo mọi chi phí khác tăng thêm. Ngoài ra, do việc nhận thi công 2 trường học, mỗi trường có tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng (thuộc công trình phân bổ theo ngân sách nhà nước) nhưng sau gần hai năm thi công vẫn chưa được giải ngân vốn.
Bi đát hơn, đầu năm 2012 Công ty sơn Việt Đông Gia (Tân Phú) đã phải đóng cửa và ngưng sản xuất các loại sơn Super Si vì sức tiêu thụ chậm, tồn đọng quá nhiều từ năm 2011 tới nay vẫn chưa bán hết. Theo vị giám đốc DN, do năm ngoái DN này có ký một hợp đồng cung cấp sơn cho Công ty Sacomreal với số lượng lớn nên đã phải huy động nhiều vốn cho sản xuất kịp tiến độ. Nhưng tới nay, Sacomreal viện lý do một số công trình BĐS ngưng trệ nên đòi hủy bản ghi nhớ đã thỏa thuận với Việt Đông Gia. Trước tình trạng trên, giám đốc DN này đã phải làm thủ tục thế chấp nhà cửa, xe hơi để trả nợ số tiền hàng chục tỷ đồng.
Bà
Trần Thị Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Phát Đạt (đường Trương
Vĩnh Ký, quận Tân Phú), chuyên kinh doanh VLXD cao cấp cho biết, hiện
tại mãi lực kinh doanh VLXD các loại đã giảm 20% so với cùng thời điểm
năm ngoái. Các đầu mối tiêu thụ VLXD đang tạm ngưng do không có công
trình mới, chỉ có các công trình đang làm dở hoặc nhỏ thì mới mua hàng.
Theo bà Hà, các công ty nhập khẩu VLXD đang thực hiện khuyến mại hấp dẫn
cho các công ty bán lẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được. “Theo thông báo
của các chủ thầu, các công trình xây dựng quy mô sắp tới sẽ còn đắp
chiếu, như vậy khó khăn của ngành kinh doanh vật liệu sẽ còn tiếp diễn
và chưa có lối ra”- bà Hà nói.
Nhận xét của các chủ kinh doanh VLXD như bà Hà hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử chỉ nhìn vào ngành thép đã thấy sự “ế ẩm” đến cỡ nào. Hiện các DN thép phải giảm công suất duy trì hoạt động đang diễn ra rất phổ biến, trong đó Công ty Thép Việt đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi, đã tuyên bố ngừng sản xuất, Công ty CP Thép Đình Vũ thì đã liên tục lỗ trong những năm qua, còn Công ty CP Thép Cửu Long Vinashin cũng đang “đắp chiếu” và tìm người mua lại DN của mình. Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất mà vẫn có hàng tồn kho.
Thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, lượng thép tiêu thụ trong tháng 2/2012 chỉ đạt 360 nghìn tấn, thấp hơn so với mức bình quân 400 - 420 nghìn tấn/tháng trước đây. Hiện nay, lượng thép tồn kho của ngành thép khoảng 350 nghìn tấn, chưa kể 560 nghìn tấn phôi thép chuẩn bị sản xuất cho tháng tới. Theo VSA, sẽ có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012 do các dự án BĐS, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn đang trong tình trạng “đóng băng”.
Chủ động tìm hướng ra
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty thép Việt (Pomina) nhận định, năm 2012, lượng thép tiêu thụ cả nước sẽ giảm 5-7% do thị trường thép ở miền Nam còn rất khó khăn, nhiều khu chung cư bỏ hoang vì xây xong không bán được. Do vậy, hai tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ thép của Pomina cũng sụt giảm 10%. Thời gian tới, nếu Ngân hàng nhà nước không có chính sách nới lỏng tín dụng thì thị trường sẽ còn tiếp tục giảm sút. Để duy trì doanh thu, năm nay, thép Việt sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thép, tăng khoảng 20% so với năm 2011 (năm ngoái công ty xuất khoảng 700 ngàn tấn thép) và theo sát diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh hoạt động.
Về phía Công ty xây dựng T.H, để tránh tình trạng lỗ kéo dài công ty đã ngưng thi công 2 công trình nhà nước và chấp nhận lỗ tiền cọc đấu thầu. Hiện tại, công ty chỉ nhận làm các công trình xây dựng có vốn đầu tư nhỏ hoặc xây các công trình của tư nhân. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng của người dân giảm mạnh, số công trình đảm nhận của công ty trong 2 tháng đầu năm không nhiều.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Khương Mai (Q.10, TP.HCM) cho biết, hai tháng đầu năm 2012 sản lượng tiêu thụ VLXD của Khương Mai giảm 50% so với cùng kỳ và đạt khoảng 1.000 tấn thép các loại. Thông thường ở thời điểm này, sản lượng tiêu thụ VLXD rất khả quan nhưng năm nay dù đã gần hết quý I/2012, mà thị trường vẫn chưa phục hồi. Để thoát khỏi tình trạng bế tắc trên, công ty đang khảo sát một số thị trường tại Campuchia, Lào, Malaysia… để xuất khẩu VLXD, đồng thời xem xét tới việc kinh doanh thêm một số mặt hàng nông sản khác.