Xuất khẩu có nhiều tín hiệu phục hồi
Sau một thời gian dài liên tục lao dốc trước hàng loạt sức ép từ vĩ mô đến bài toán về nhu cầu, thị trường sắt thép trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Mặc dù những biến động của thị trường vẫn còn tiềm ẩn, song tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới cho ngành thép toàn cầu nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng.
Sau khi lần đầu ghi nhận xuất siêu năm 2021 thì trong năm 2022, nhập siêu sắt thép đã quay trở lại với hơn 3,3 triệu tấn
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của giá sắt thép trên thế giới, giá thép trong nước cũng bắt đầu có những dấu hiệu tăng trở lại.
Vào cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp thép cũng đã điều chỉnh tăng đối với một số loại thép xây dựng. Điển hình, thép cuộn CB240 đồng loạt tăng, trong đó, Thép Hòa Phát cũng đã tăng giá bán đối với loại thép này thêm 200.000 đồng/tấn, lên mức 14,94 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, mặt hàng thép thanh vằn D10 CB300 vẫn được giữ nguyên giá bán ở mức 15,02 triệu đồng/tấn trong lần điều chỉnh trước đó.
Cùng có động thái điều chỉnh với mức tăng 200.000 đồng/tấn còn có các thương hiệu Thép Việt Ý, Thép Việt Nhật, Thép Miền Nam, Thép Thái Nguyên, Thép Việt Sing, Thép Việt Mỹ, Thép Tung Ho. Hiện giá thép xây dựng trong những ngày đầu năm 2023 đang dao động trong khoảng 15-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Bên cạnh tín hiệu giá thép phục hồi, tình hình xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2022 cũng đã có sự khởi sắc hơn khi ghi nhận bật tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 823.128 tấn sắt thép trong tháng 12.2022, tăng 40,2% so với tháng trước đó. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu sắt thép cũng tăng 24%, đạt hơn 584 triệu đồng.
Cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam theo quốc gia năm 2022
Trên thực tế, sản xuất và xuất khẩu thép xây dựng là thế mạnh chính của Việt Nam. Đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng.
MXV cho rằng, năm 2023, các doanh nghiệp thép của Việt Nam cần tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thép có sự phục hồi đáng kể tại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.
Với Ấn Độ, sản xuất phần lớn lượng thép dùng cho tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, quốc gia này cũng buộc phải nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thép lớn nhất là Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu một lượng sắt thép đáng kể từ Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là nhiệm vụ tất yếu, và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam vẫn sẽ là các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, chiếm tới 42% cơ cấu xuất khẩu mặt hàng này.
Vẫn ám ảnh chuyện nhập siêu
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sắt thép ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi trở lại nhưng trong cùng thời gian trên, Việt Nam cũng chi một số tiền khá lớn để nhập khẩu nhóm mặt hàng này.
Trên thực tế, năm 2022, khi những nền kinh tế lớn thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hoá nói chung và sắt thép nói riêng có xu hướng hạ nhiệt. Điều này đặt ra cho ngành xuất khẩu thép của Việt Nam không ít thách thức lớn.
Việt Nam phải chi hàng tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu thép và nguyên liệu, trong khi nguồn cung thép xây dựng trong nước đang dư thừa
Dữ liệu của cơ quan hải quan cũng cho thấy, trong tháng 12.2022, nước ta tiếp tục nhập siêu hơn 123.000 tấn sắt thép các loại. Tuy nhiên, lượng nhập siêu cũng đã giảm đáng kể so với con số khoảng 376.000 tấn vào tháng 11 trước đó.
Như vậy, xét cả năm 2022, nước ta đã quay trở lại nhập siêu hơn 3,3 triệu tấn sắt thép, sau khi lần đầu ghi nhận xuất siêu sau nhiều năm vào năm 2021.
Lý giải về việc phải nhập siêu lượng sắt thép nói trên, Bộ Công Thương cho rằng ngành công nghiệp nặng này đang tồn tại một nghịch lý mà lâu nay chưa giải quyết được. Đó là tình trạng thừa nguồn cung thép xây dựng nhưng lại thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào.
Hiện nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của các nhà máy sản xuất thép trong nước đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Trước đó, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ Công Thương cũng đã chỉ rõ điểm hạn chế của ngành thép trong nước là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.
Cụ thể, trong khi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt thì các mặt hàng như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng HRC vẫn phải nhập khẩu nhiều.
-
Thép thấp thỏm chờ bất động sản hồi phục
Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường bất động sản trì trệ có thể làm giảm nhu cầu mặt hàng này trong năm 2023.
-
Nắm tới 55% thị phần toàn cầu, nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới sắp gặp khó vì lý do này!
Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ sớm đạt mức cao nhất trong 8 năm, trước khi làn sóng thuế quan lan rộng kéo ngành công nghiệp này đi xuống vào năm 2025.
-
Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á… hưởng lợi ra sao khi tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm?
Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến ngày 23/10/2029). Mức thuế áp dụng cho các công ty Trung Quốc cao nhất là 34,27% và Hàn Quốc là 19,25%....
-
Loại THÉP CHẤT LƯỢNG CAO từ sản xuất ô tô tới đồ gia dụng đều cần có nhu cầu tới 13 triệu tấn/năm
Thép cuộn cán nóng (HRC) sản xuất trong nước 8,6 triệu tấn nhưng nhu cầu thị trường nội địa đang cần tới 13 triệu tấn/năm. Dư địa thị trường rất lớn, nhưng hiện ngoài Formosa, đến nay chỉ có Hòa Phát tham gia vào cuộc đua này....