“Đau đầu” với tăng giá
Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá than tăng 10% đội giá clinker tăng 25 - 30 nghìn đ/tấn, giá dầu tăng thêm 2.100 đ/lít đã khiến mỗi tấn clinker gánh thêm 10 - 15 nghìn đồng, ngành điện cũng “nhấp nhổm” tăng giá, nếu ngành điện tăng giá thêm 10% thì chi phí thêm mỗi tấn xi măng ước chừng tăng 10 - 15 nghìn đ/tấn clinker. Như vậy, làm phép toán đơn giản, khi cả 3 nguyên liệu đầu vào là than, dầu, điện cùng tăng thì mỗi tấn clinker phải gánh thêm chi phí 60 - 70 nghìn đ/tấn. Bên cạnh đó, áp lực lãi vay cũng tạo thêm gánh nặng cho ngành xi măng, bởi trước khi ngân hàng công bố giảm lãi suất từ ngày 13/3 thì hầu hết các nhà máy xi măng vẫn phải vay với mức lãi suất 17 - 18%/năm. Tính ra chi phí tài chính + chi phí khấu hao lên tới 70 - 100 nghìn đ/tấn.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu giá than, dầu tăng ở thời điểm xi măng có đầu ra thuận lợi, sức tiêu thụ tốt. Nhưng thực tế giá than, dầu tăng, dự kiến giá điện sẽ tăng, đúng thời điểm nhiều nhà máy xi măng đang trong thời kỳ trả nợ đầu tư, “bánh mỳ của ngành Xây dựng” sản xuất ra rất khó bán, sức tiêu thụ chậm vì nhiều công trình dự án bị dừng hoặc giãn tiến độ, thị trường xi măng dư cung 8 - 10 triệu tấn, xuất khẩu xi măng gặp nhiều khó khăn… khiến nhiều DN xi măng lâm vào tình cảnh “khóc dở mếu dở”.
Càng sản xuất càng lỗ, xi măng thì khó bán. Thậm chí có DN đã phải tạm dừng 1 lò nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi dây chuyền đầu tư ngàn USD không thể để “nằm đắp chiếu”. Giá xăng dầu tăng ngay sau thời điểm giá bán than cùng một số nguyên vật liệu đầu vào vừa tăng hồi đầu tháng đã khiến các DN sản xuất VLXD lại thêm một phen khốn đốn. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó tổng giám đốc VIGLACERA cho hay: Chi phí nhiên liệu chiếm rất cao (từ 30 - 40%) giá thành, nay ước sẽ còn tăng tiếp từ 3 - 5%.
Việc giá vận chuyển đột ngột tăng vọt đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản xuất. Thông thường, trong kết cấu giá thành vận chuyển thì xăng dầu chiếm tỷ lệ 50%. Chỉ riêng giá vận chuyển tăng, theo các DN sản xuất gạch ốp lát ceramic, mỗi mét vuông thành phẩm, giá thành tăng gần 1 nghìn đồng, như vậy với công suất 500 triệu m2/tháng, mỗi DN có quy mô sản xuất trung bình phải chi phí vận chuyển thêm so với trước khoảng 500 triệu đ/tháng.
Đối với các DN sử dụng dầu FO trong sản xuất, giá xăng dầu tăng khiến họ như ngồi trên lửa. Ông Hoàng Văn Bồng - Giám đốc Cty CP VIGLACERA Đáp Cầu cho hay, do bắt buộc phải sử dụng dầu FO trong sản xuất trong khi giá dầu FO vừa tăng từ 16.800 đ/kg lên thành 18.800 đ/kg đã khiến mỗi mét vuông kính cán hoa văn thành phẩm sẽ tăng 3.500 đồng. Còn nếu cộng đủ giá vận chuyển sẽ tăng chi phí đến 4.500 đ/m2. Như vậy, chỉ riêng tiền phụ chi do tăng giá dầu FO, mỗi tháng VIGLACERA Đáp Cầu sẽ phải chi thêm ít nhất 70 triệu đồng, và từ nay đến cuối năm nếu giá dầu FO vẫn giữ nguyên như hiện nay thì vẫn chi vượt so với trước 7,5 tỷ đồng. Đây là điều hết sức khó khăn cho các DN ngành kính xây dựng nói riêng và DN sản xuất VLXD nói chung bởi thời điểm này hầu như không DN nào dám tăng giá bán để bù đắp chi phí, bất chấp giá cả “đầu vào” đã tăng mạnh. Sở dĩ như vậy là vì giữa các DN VLXD đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá bán, và thực tế cũng cho thấy suốt từ đầu năm đến nay, giá VLXD có xu hướng giảm và tất yếu còn phải giảm tiếp vì việc cạnh tranh nội địa đang ở giai đoạn hết sức căng thẳng. Ngay chỉ một nhà máy sản xuất gạch ngói trực thuộc một Cty lớn của ngành Xây dựng, việc dầu FO tăng giá cũng khiến từ nay đến cuối năm họ phải chi thêm gần 4 tỷ đồng.
Giải pháp nào?
Làm thế nào để trả được nợ đầu tư theo đúng kỳ hạn, để bán được xi măng trong khi nguồn cung tăng cao (năm 2012 thêm 4 nhà máy xi măng đi vào hoạt động) cầu trên thị trường hạn chế và giá các nguyên liệu đầu vào “hô ứng” cùng nhất loạt tăng?
Đại diện một DN sản xuất VLXD lo ngại rằng, chưa khi nào họ phải đối mặt với tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, bởi chuỗi các yếu tố mang tính chất “ảnh hưởng kép”, “ảnh hưởng dây chuyền” đang đè nặng lên hoạt động của DN: Thị trường BĐS và xây dựng trầm lắng, giá than tăng, dầu FO phục vụ sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng, ngân hàng hầu như không hỗ trợ nguồn vốn, lượng hàng nhập khẩu tăng trong khi nguồn hàng giá rẻ do gian lận thương mại cũng không mấy thuyên giảm. Đại diện DN này còn nói thẳng: “Cứ thế này không những không thể cạnh tranh xuất khẩu mà còn nguy cơ mất cả thị trường nội địa!”.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Ngành Xi măng chia sẻ khó khăn với ngành than, dầu, điện nhưng khi cả than dầu và sắp tới là điện nhất loạt tăng giá thì buộc xi măng phải tăng giá bán để bù chi phí. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và người tiêu dùng, xi măng sẽ điều chỉnh giá bán ở mức độ hợp lý, thị trường và người tiêu dùng có thể chấp nhận được.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD cũng đồng ý cho rằng: Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao buộc xi măng phải điều chỉnh giá bán là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng ở mức độ nào DN cần phải tính toán cho phù hợp. Nhưng quan trọng nhất, các DN xi măng cần tiếp tục tái cấu trúc DN, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt đẩy nhanh các dự án sử dụng năng lượng thay thế như công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện và tận dụng nhiệt thải làm năng lượng đốt lò nhằm giảm chi phí điện mua từ EVN.
Các DN xi măng cầnđẩy nhanh các dự án sử dụng năng lượng thay thế như công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện và tận dụng nhiệt thải làm năng lượng đốt lò nhằm giảm chi phí điện mua từ EVN |