25/11/2011 12:40 AM
Có nhiều con đường dẫn đến các vụ vỡ nợ tín dụng đen, nhưng nguyên nhân dễ nhận ra là các khoản tiền đó đều liên quan đến bất động sản và chứng khoán.
Bất động sản "đóng băng"

Tính đến thời điểm này, thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào chu kỳ trồi sụt lần thứ tư. Những năm 1992-1995, cơn sốt bất động sản bắt đầu xuất hiện; sau thời gian lắng xuống, năm 2000, giá bất động sản lại tăng vù vù; tiếp đến là năm 2005 và cao trào nhất là từ năm 2010 đến nay. Nếu như trong đợt sóng bất động sản đầu tiên ở Hà Nội những năm 1990 chỉ một số ít người có tiền đi mua nhà để ở và tích luỹ thì đợt tăng giá bất động sản gần đây đã cuốn cả xã hội vào vòng xoáy mua-bán. Nhiều người vẫn cho rằng "đầu tư vào bất động sản không bao giờ sợ lỗ".


Theo Đại tá Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội, từ đầu năm tới nay, liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ với quy mô lớn như vụ vỡ nợ ở Đan Phượng gần 300 tỷ đồng; vụ vỡ nợ ở Hà Đông lên tới vài trăm tỷ đồng; ở Phú Xuyên gần 400 tỷ đồng và gần đây nhất, theo báo cáo của Công an quận Cầu Giấy, trên địa bàn cũng xảy ra vụ vỡ nợ trên dưới 100 tỷ đồng.


Đại tá Toản cho biết, cơ quan công an đang tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo các hành vi dùng giấy tờ giả như sổ đỏ giả, con dấu giả, sử dụng phôi sổ đỏ giả để vay thế chấp hàng trăm tỷ đồng. CATP đã chỉ đạo PC46 khởi tố, bắt giam những đối tượng có liên quan trong một số vụ việc. Tuy nhiên, tài sản thu hồi được rất ít, chỉ vài trăm triệu đồng… Các đối tượng còn lừa người dân dưới hình thức chạy dự án phát triển đô thị, có vụ lên tới 50 - 60 tỷ đồng, khả năng thu hồi thấp. Có vụ hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 300 - 500 triệu đồng. Với nhiều năm công tác trong nghề, theo Đại tá Toản, đặc điểm của những con nợ này thường được nhận dạng như đi bằng xe đắt tiền, đeo nhiều vàng trên người, các nhu cầu sinh hoạt cao… khiến người dân không biết và sập bẫy (như trường hợp của vợ chồng tiệm vàng Quang - Quyên, rồi vợ chồng Cúc ở Phú Xuyên mua xe cả chục tỷ đồng). Thứ hai là thông qua các vệ tinh để dụ dỗ những người có vốn, câu nhử bằng nhận vay với lãi suất cao… đánh vào tâm lý hám lợi, không am hiểu của người dân. Bản thân những vệ tinh cũng tin vào chủ, đi tuyên truyền cho chủ, sẵn sàng chi hậu hĩnh nếu thu gom được nhiều tiền… Nguyên nhân dẫn đến những vụ vỡ nợ dây chuyền trong thời gian gần đây được xác định là do việc quy định trần lãi suất hay bình ổn giá, quản lý lĩnh vực vàng và ngoại hối… đã tác động tới một số thị trường, khiến thị trường bất động sản đóng băng, giá nhà đất bị kéo xuống, các dự án nhà đất không được triển khai…


Hiện có hàng trăm dự án bất động sản đóng băng, hàng nghìn căn hộ không bán được. Đặc biệt, năm 2009 - 2010, giá bất động sản bị các đối tượng đẩy lên nhiều, trong khi đó, quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực này là quá lớn, đi quá xa, không đúng với đời sống thực tế. Cũng tại thời điểm này, khi hết thời gian thanh khoản, đáo nợ, ngân hàng không cho vay nợ nữa, dẫn tới tình trạng phải huy động trong dân để trả vòng quanh cho nhau. Từ đó, con nợ dùng thủ đoạn đưa ra mức trần lãi suất cao để huy động vốn trong dân, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con, có lúc mức lãi suất lên tới 7.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày.


Chứng khoán "lao dốc"


Ngoài bất động sản, chứng khoán cũng chính là một trong những nguyên nhân gây thất thoát vốn. Sau khi hồi phục từ giữa năm 2009, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc khiến cho các khoản đầu tư tại thị trường này thua lỗ lớn.


Theo một số chuyên gia tài chính, để bảo vệ hệ thống ngân hàng, từ nay đến cuối năm 2011, các ngân hàng thương mại vẫn phải tiếp tục giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất về mức 16% theo Chỉ thị số 01/CT - NHNN. Trong bối cảnh khó huy động được nguồn vốn, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, thì việc cắt giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống dưới mức trên gần như trở thành đương nhiên. Thị trường chứng khoán và bất động sản do vậy sẽ tiếp tục kéo dài chuỗi ngày trầm lắng. Không thể huy động được tiền để trả lãi cho các khoản huy động lãi cao, nhiều quỹ tín dụng đen dần dần mất thanh khoản. Lần lượt từng con nợ tuyên bố vỡ nợ. Hiệu ứng đổ vỡ "dây chuyền" của tín dụng đen bắt đầu diễn ra.


Tín dụng đen không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thiệt hại tài sản cho người dân mà những vụ vỡ nợ gần đây rõ ràng là một chỉ dấu phản ánh hoạt động của hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng xấu đi. Thống kê đến tháng 10/2011, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng 6.2011. Tổng nợ xấu sáu tháng đầu năm 2011 khoảng 75.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47%.

Theo Hồng Đức (Kinh tế NT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh