24/11/2011 6:40 AM
Tín dụng đen, một cụm từ không mới, người ta hay dùng để ám chỉ việc vay mượn với lãi suất cao không thông qua ngân hàng, không được pháp luật bảo hộ... nhưng rất dễ dàng trong giao dịch. Vì sao nhiều người biết trước hậu quả khôn lường của tín dụng đen nhưng vẫn sa "bẫy"?

Chỉ vì hám lợi, tư tưởng "ngồi mát ăn bát vàng" mà nhiều người không biết rằng tín dụng đen chính là "viên đạn bọc đường".


Nhận diện


Tín dụng đen là cụm từ dùng để ám chỉ dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, không được cấp phép và không chịu sự quản lý của Nhà nước. Đặc trưng cơ bản của tín dụng đen là lãi suất huy động và cho vay cực cao nhưng thủ tục lại vô cùng đơn giản.


Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội, các chủ nợ và con nợ của hoạt động tín dụng đen ngày càng đa dạng và mở rộng, từ những người thân quen, họ hàng tới người xa lạ; thành phần "xã hội đen" và cả những doanh nhân thành đạt...


Lãi suất huy động và cho vay muôn màu muôn vẻ theo kiểu thuận mua vừa bán, trung bình 0,15%/ngày (tương đương 4,5%/tháng, 54%/năm cho các khoản vay ngắn hạn). Cá biệt, tại Hà Nội, gần đây có hiện tượng cho vay với lãi suất 30-40%/tháng (360-480%/năm). Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là mức lãi 5.000-6.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương khoảng trên dưới 200%/năm (khoảng gần 20%/tháng). Để có thể trả được mức lãi suất cao như vậy, các hoạt động kinh doanh từ nguồn tín dụng đen tất yếu thuộc loại có độ rủi ro cao, thu hồi vốn nhanh như đầu cơ "lướt sóng" bất động sản, chứng khoán, vàng...


Cũng theo TS.Phong, cơ chế tài chính của tín dụng đen là "đa cấp", đó là nhiều trung gian tài chính trong tín dụng đen càng khiến cho mức độ và biên độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn, thậm chí cao thêm tới 2-3 lần lãi suất gốc... Tuy lãi suất vay rất cao nhưng thủ tục lại khá đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân, có địa chỉ nhà, đất là có thể cầm tiền.


Thị trường tài chính nước ta trong nhiều năm qua đang tồn tại hai kênh là chính thức và phi chính thức. Chẳng hạn như trong lĩnh vực tỉ giá ngoại hối, từ lâu vẫn tồn tại tỉ giá chính thức (do Ngân hàng Nhà nước công bố) và tỉ giá phi chính thức (hay còn gọi là tỉ giá "chợ đen"). Sự tồn tại của hiện tượng "phi chính thức" dựa trên nguyên lý khi hệ thống chính thức không đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân thì đương nhiên hệ thống "phi chính thức" sẽ lấp vào vùng trũng đó.


Có thể khẳng định, hệ thống tín dụng "phi chính thức" có nhiều lý do riêng để tồn tại và phát triển trong xã hội. Các hình thức chơi hội, chơi họ... là phương thức hoạt động của hệ thống tín dụng phi chính thức do dân gian và từ dân gian mà ra, góp phần cung cấp tín dụng một cách tự nguyện, tự giác cho hàng triệu gia đình, nhà buôn nhỏ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế, thể hiện tinh thần và phương thức tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt cũng như trong làm ăn.

Hậu quả nhãn tiền


Theo thống kê, những vụ vỡ nợ tín dụng đen trước đây chỉ rơi vào khoảng vài ba chục tỷ đồng, nhưng hiện nay con số đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.


Chỉ cách đây ít ngày, dư luận thêm một lần lo lắng khi tại Hà Tĩnh xảy ra một vụ vỡ nợ tín dụng đen lên tới hàng chục tỷ đồng. Đối tượng vỡ nợ lần này là dược sĩ y khoa mang vỏ bọc của đại gia bất động sản. Chiều ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng đối với bị can Lê Thị Tương, sinh năm 1973, thường trú tại phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tương vốn là dược sĩ khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Nguồn tin từ cơ quan điều tra cho hay, trong thời gian qua, Lê Thị Tương dưới vỏ bọc của một đại gia kinh doanh bất động sản làm ăn phát đạt, có khả năng chạy các dự án xây dựng, đã làm quen và lừa hàng chục người góp vốn cùng kinh doanh chia lãi. Nhiều người dân trên địa bàn vì ham lãi cao đã cho Tương vay với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc tài sản thế chấp.


Trước đó, tại Cầu Giấy (Hà Nội) xảy ra một vụ vỡ nợ tín dụng đen với quy mô hơn 500 tỷ đồng. Tiếp đến, ở một loạt quận, huyện của Thủ đô như Đan Phượng, Phú Xuyên, Hà Đông,… xảy ra những vụ vỡ nợ lớn với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng trong vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên, Đan Phượng đã thực hiện cùng lúc nhiều hình thức huy động tín dụng, với thủ đoạn vay tiền, hành vi lừa đảo rất tinh vi.


Đặc điểm chung của hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen là người dân muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng không phải là điều quá khó. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lý và siết chặt việc cho vay theo hình thức này vẫn bị bỏ ngỏ. Điển hình như vợ chồng ông chủ tiệm vàng Quang - Quyên ở thị trấn Phùng (Đan Phượng) khá dễ dàng để có trong tay hàng trăm tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Để thực hiện được điều đó, ngoài việc đánh trúng tâm lý của các "chủ nợ" là ham lợi, kiếm tiền nhanh, Quang còn nắm bắt được sơ hở của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại địa phương khi tỏ ra quá tín nhiệm với những "khách hàng quen thuộc".


Thủ đoạn trên cũng được bà Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) sử dụng để đánh lừa hàng chục gia chủ hiện đang là chủ nợ của gia đình bà lấy đi số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng.


Khi các vụ vỡ nợ bị "bung bét", các chủ nợ đến đòi lại tiền, ngoài mảnh giấy viết tay không còn giấy tờ gì khác chứng minh. Thậm chí, có nhiều người cho vay cũng không có thời hạn trả để hai bên chứng minh sự tin tưởng lẫn nhau. Chỉ vì tham lam, hám lợi với lãi suất cao mà nhiều người vô tình "sập bẫy" tín dụng đen, dẫn đến cảnh nhà tan cửa nát.

Theo Hồng Kỳ (Kinh tế NT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh