Theo thống kê của VDSC, trong 3 năm trở lại đây, đã có 10 tổ chức tín dụng vay nợ dài hạn với các tổ chức quốc tế với số tiền vay nợ của mỗi ngân hàng trung bình lên tới hàng trăm triệu USD.
Trong năm 2018 đã có tới 6 ngân hàng vay nợ tổ chức quốc tế với dư nợ lớn. Ví dụ: BIDV vay của ADB 300 triệu USD; OCB, TPBank vay IFC 100 triệu USD (mỗi ngân hàng); hay LienVietPostBank vay JP Morgan Chase Bank N.A Singapore và Cathay United Bank 100 triệu USD.
Theo phân tích của VDSC, việc vay vốn nước ngoài có thể giúp các ngân hàng tăng cường thanh khoản và có được sự linh động hơn trong cơ cấu vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh Thông tư 16/2018/TT-NHNN, quy định hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% (từ 45%) có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, các ngân hàng sẽ phải tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn vay trung và dài hạn.
Hiện nay, do nguồn vốn trong nước và tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng còn hạn chế, nhất là đối với các ngân hàng đã hết room ngoại, việc huy động vốn từ nước ngoài sẽ giúp họ tiếp cận với nguồn vốn phong phú hơn với chi phí rẻ hơn.
Ngoài ra, các khoản vay dài hạn có thể góp phần cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Thông tư 41/2016/TT-NHNN, một trong hai văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Basel II, quy định rằng các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì hệ số CAR ở mức tối thiểu 8%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. VDSC cho rằng với tình hình vốn hiện nay, các ngân hàng sẽ phải tích cực huy động vốn trong năm 2019, dù là để đáp ứng tuân thủ theo Thông tư 41 đúng hạn hay để nâng bộ đệm vốn nhằm đảm bảo khả năng duy trì tăng trưởng cao trong các năm sau.
Thêm vào đó, theo VDSC, các ngân hàng cần phải duy trì một nguồn dự phòng vốn ngoại tệ để phục vụ cho nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước. Trong diều kiện trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ được quy định ở mức 0% thì việc các ngân hàng huy động tiền gửi bằng ngoại tệ là vô cùng khó khăn. Tính đến tháng 9/2018, việc huy động tiền USD của các ngân hàng đang có xu hướng giảm, trong khi cho vay USD vẫn đang tiếp tục tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc vay vốn tài trợ từ nước ngoài là một trong số các cách tốt nhất để có được nguồn vốn ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu cho vay của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích nêu trên, theo VDSC, khi vay nợ nước ngoài các ngân hàng buộc phải đối mặt với các rủi ro nhất định. Ví dụ, các ngân hàng đi vay sẽ phải quản lý rủi ro biến động tỷ giá liên quan đến khoản vay. Trong một số trường hợp, khoản vay được chỉ định phục vụ cho một số mục đích nhất định thì các ngân hàng còn có thể gặp khó khăn trong việc tìm các trường hợp giải ngân thỏa mãn mục đích đặt ra.
-
TS. Vũ Đình Ánh: Cần tăng lạm phát để phát triển
CafeLand - Các chuyên gia tài chính nhận định Chính phủ có thể kiểm soát tốt lạm phát, dưới 4% trong năm 2019,. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, lại đề xuất không nên giữ mức lạm phát thấp, mà chủ động đẩy nó lên 5-6% để tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế.