Ngày 11/5, IFC và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sự kiện diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN tại Washington D.C (Hoa Kỳ).

IFC và HDBank ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoạt động hợp tác này dự kiến sẽ hỗ trợ HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng trị giá 1 tỷ USD vào năm 2025.

IFC cho biết, thiếu vốn lưu động là trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là DNVVN, hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các giải pháp tài chính sáng tạo như tài trợ chuỗi cung ứng giúp tạo ra dòng tiền sớm hơn cho nhà cung cấp và nhà phân phối bằng cách chuyển đổi ngay các khoản phải thu và hàng trong kho sang tiền mặt và từ đó có thể tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn còn tương đối mới và vẫn chưa phổ biến rộng rãi.

Nguồn tài trợ chính của DNVVN tiếp tục là các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản, với tỷ lệ các khoản phải thu và hàng tồn kho được đăng ký làm tài sản đảm bảo ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số các giao dịch đăng ký đảm bảo, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

“Tài trợ chuỗi cung ứng giúp liên kết người mua, nhà cung cấp, và các định chế tài chính sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các chu kỳ thương mại. Hỗ trợ kịp thời của IFC sẽ cho phép các doanh nghiệp trong nước tận dụng các cơ hội thương mại tại các thị trường mới nổi và cải thiện liên kết của doanh nghiệp với các chuỗi cung ứng chính thức, góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết.

“Điều này sẽ giúp HDBank tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong nước với trọng tâm cốt lõi là DNVVN và ngân hàng bán lẻ, đồng thời tập trung mở rộng tài trợ chuỗi giá trị và phát triển cơ sở khách hàng trung tâm. Ngoài ra, chuỗi nông nghiệp là một ngành mục tiêu quan trọng của chúng tôi, đặc biệt là nông nghiệp xanh và công nghệ cao”, Tổng Giám đốc HDBank cho biết thêm.

IFC cho biết sẽ hỗ trợ HDBank phát triển danh mục tài trợ chuỗi cung ứng - hiện đang tập trung trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông nghiệp, hàng tiêu dùng nhanh cũng như công nghiệp phụ trợ và phân phối xăng dầu. Đặc biệt, IFC sẽ hỗ trợ ngân hàng thiết kế chiến lược tài trợ chuỗi cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng - đặc biệt là tài trợ nhà cung cấp và nhà phân phối - và thu hút các công ty đầu ngành cùng với các nhà cung cấp và nhà phân phối của các công ty này, và những khách hàng khác.

Trước đó vào tháng 4/2022, IFC đã cấp cho HDBank hạn mức tài trợ thương mại trị giá 40 triệu USD trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu, để giúp nâng cao năng lực bảo lãnh rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là DNVVN. HDBank là ngân hàng Việt Nam mới nhất tham gia chương trình kể từ khi chương trình bắt đầu triển khai tại Việt Nam năm 2007, hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam phát hành hơn 1.700 bảo lãnh với tổng giá trị trên 8 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 nhằm giảm nhẹ khó khăn về thanh khoản cho doanh nghiệp và bảo vệ hàng nghìn việc làm.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế và có vai trò thiết yếu đối với mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực của Việt Nam”, bà Stephanie von Friedeburg, Phó Chủ tịch Điều hành Cấp cao của IFC cho biết. “Hỗ trợ của IFC đối với các định chế tài chính trong nước như HDBank sẽ góp phần thúc đẩy liên kết của DNVVN với chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra các cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm”.

Hỗ trợ kỹ thuật của IFC cho HDBank thuộc khuôn khổ chương trình tư vấn được thực hiện với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) dành cho cơ quan quản lý, các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng để thúc đẩy hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam, góp phần hội nhập thị trường sâu rộng hơn và hỗ trợ tăng trưởng của khu vực DNNVV trong nước.

Năm 2021, IFC cung cấp khoản vay thời hạn năm năm trị giá 70 triệu USD cho HDBank để hỗ trợ hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo. IFC và hai quỹ đầu tư trực thuộc Công ty Quản lý Tài sản IFC - Quỹ Tăng trưởng Định chế Tài chính IFC và Quỹ Châu Á Mới nổi IFC - cũng đăng ký mua 95 triệu USD trái phiếu chuyển đổi thời hạn năm năm do ngân hàng phát hành để hỗ trợ tăng cường cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, hoạt động tại trên 100 quốc gia. Trong năm tài chính 2021, tổng cam kết đầu tư của chúng tôi vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt mức kỷ lục 31,5 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong bối cảnh các nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.