Ảnh minh họa
Thêm cơ hội hình thành tài sản
Đầu năm 2019, Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Trong khi MUFG - cổ đông chiến lược của VietinBank cho biết cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà băng tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. BIDV cũng cho biết sẽ phát hành hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank thu về hơn 20.300 tỷ đồng.
Không chỉ với khối NHTM Nhà nước, nhiều NHTMCP tư nhân cũng đang lên kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như VPBank, đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của ngân hàng này đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 25.300 tỷ đồng lên 28.210 tỷ đồng thông qua việc phát hành 31 triệu cổ phần cho cán bộ công nhân viên và 26 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên số lượng cổ phần phát hành riêng lẻ cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%).
Hay như MB cũng có kế hoạch bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài; Nam A Bank cũng đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài…
Trước đó, HDBank cũng đã bán trên 21% cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết đầu năm 2018; Techcombank đã bán cổ phần cho Warburg Pincus thu về 370 triệu USD trước khi niêm yết trên HoSE năm 2018…
Những trường hợp trên đã phần nào cho thấy các ngân hàng Việt Nam đang nhận được sự quan tâm nhất định của giới đầu tư nước ngoài. Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên, cùng với sự điều hành CSTT chủ động, linh hoạt của NHNN, các cơ quan liên quan cũng như kết quả kinh doanh tích cực của mỗi nhà băng đã khiến Việt Nam thêm khẳng định vị trí trên thị trường tài chính thế giới.
U.S. News&World Report mới đây cũng vừa công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay. Đặc biệt trong đó, Việt Nam đã vượt qua các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Singapore để xếp thứ 8 - tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.
Thực tế, nguồn vốn của một doanh nghiệp nói chung và nguồn vốn của ngân hàng nói riêng tới từ tính đa dạng trong sự đóng góp của cổ đông. Nguồn vốn sẽ hình thành tài sản cho ngân hàng trong tương lai. Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, khi rót vốn vào một ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn tối đa hoá giá trị cổ phiếu của mình nhận được sau này.
“Khi nhà đầu tư nhìn thấy ở ngân hàng có triển vọng trong chiến lược kinh doanh, thấy được khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh, khả năng tối đa hoá giá trị cổ phiếu sau này họ mới rót vốn”, vị này cho hay.
TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đối với ngân hàng, việc thu hút được vốn ngoại sẽ thêm cơ hội để hình thành thêm tài sản, hoạch định chiến lược kinh doanh có khả năng sinh lời cao hơn trong tương lai; đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu tăng vốn của NHNN theo lộ trình; cải thiện hệ số an toàn vốn...
Không những vậy, theo ông Linh, ngân hàng còn có thể tận dụng được quá trình quản trị của nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng được kinh nghiệm khai thác về chiến lược kinh doanh (đặc biệt là chiến lược ngân hàng bán lẻ), công nghệ... của nhà đầu tư. Vốn dồi dào cũng góp phần ổn định hệ thống, giúp các nhà băng cân đối được nguồn vốn, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường huy động vốn nhỏ lẻ. Còn xét ở góc nhìn vĩ mô, nguồn vốn ngoại nếu đổ vào nhiều cũng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán cởi mở hơn, thúc đẩy chỉ số chứng khoán của Việt Nam.
Phát huy sức mạnh nội tại
Bàn về triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam thời gian tới, các chuyên gia đều có chung nhận định rất khó để có thể đưa ra một dự báo chuẩn xác. Không phủ nhận có nhiều yếu tố hỗ trợ và thúc đẩy cho việc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng yếu tố quyết định, theo chuyên gia xuất phát từ nội tại của ngân hàng.
Có một cái nhìn khá thận trọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi cần thêm những nỗ lực để “nâng hạng” mình, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Gần nhất là việc các NHTM sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, hệ thống ngân hàng cần có sự cải tổ mạnh mẽ từ quản trị cho tới hoạt động cho vay, năng lực tài chính, đầu tư sản phẩm, công nghệ... để không chỉ khẳng định vị trí tại thị trường trong nước mà phải có kỳ vọng vươn ra thị trường trong khu vực và trên thế giới.
Việc cải tổ hệ thống sẽ thanh lọc các NHTM, những nhà băng có sức khoẻ yếu phải có phương án cơ cấu lại hoặc M&A, trong đó có việc mời gọi các nhà đầu tư ngoại vào cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Xét ở yếu tố khách quan, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng cần cải thiện nhiều hơn bởi điều này ảnh hưởng khá lớn tới việc kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, TS. Châu Đình Linh cũng nhận thấy ngân hàng có khả năng hút vốn ngoại hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sức khoẻ của nhà băng đó, về cơ cấu nguồn vốn, tài sản, khả năng sinh lời đặt trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Ngân hàng phải có chiến lược từng bước rõ ràng để đạt được mục tiêu cuối cùng. Rất khó để nhà đầu tư bỏ vốn ra mua một ngân hàng khi thấy tài sản không rõ ràng, chưa minh bạch về thông tin, hệ số an toàn vốn thấp, đặc biệt không có chiến lược kinh doanh cụ thể.
Đó là lý do các NHTM nhà nước thường lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài hơn do có tầm ảnh hưởng lớn với hệ thống ngân hàng. Về lâu dài, cần cân nhắc xem xét nới room ngoại để góp phần thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ thêm, những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số trước kỷ nguyên CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư, tận dụng lợi thế đi sau để tiếp nhận sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng, các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược trong việc ứng dụng khuôn khổ quản trị và kinh doanh hiện đại, tiếp thu mô hình ngân hàng số thông minh và phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
“Nếu ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam tận dụng tốt cơ hội CMCN 4.0 mang lại thì sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, có khả năng rút ngắn khoảng cách công nghệ và tri thức với thế giới”, chuyên gia nhận định.