Trong những tháng cuối năm, các ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng giá rẻ và giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu.

Ảnh minh hoạ.

Nếu so với thời điểm quý 4 năm ngoái khi các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động lên 9-10%/năm thì quý 4 năm nay, mức lãi suất đã giảm hẳn một nửa. Tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu vốn chưa phục hồi cũng buộc các ngân hàng phải giảm thêm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu của thị trường. Hiện lãi suất các khoản vay mới đã giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Tại nhiều ngân hàng, các gói tín dụng ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới cũng được tung ra song song với việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.

Chẳng hạn, đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh chỉ từ 5,4%/năm và lãi suất vay tiêu dùng từ 6,5%/năm.

Cụ thể, BIDV cho vay kinh doanh trong lĩnh vực xanh từ 5,4%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 6,4%/năm với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Với khách hàng kinh doanh lĩnh vực khác, lãi suất ưu đãi từ 5,7%/năm kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 6,7%/năm đối với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng. Còn với khách hàng vay vốn phục vụ các nhu cầu mua nhà, mua ô tô… thời điểm cuối năm, BIDV điều chỉnh lãi suất tối thiểu 6,5%/năm hoặc 7%/năm trong lần lượt 6 tháng hoặc 12 tháng đầu tiên nếu khách hàng vay tối thiểu 36 tháng.

Với khách hàng vay vốn mua nhà trong thời gian vay tối thiểu 60 tháng, lãi suất BIDV áp dụng tối thiểu 7,5%/năm trong 18 tháng hoặc 24 tháng đầu tiên; hoặc tối thiểu 8,5%/năm trong 36 tháng đầu tiên.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã hạ tiếp lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất điều chỉnh mới từ 5,9%/năm. Quy mô gói tín dụng này là 15.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 2 tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tiếp tục điều chỉnh lãi suất, trong đó sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3% đến 4%. Agribank thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay đang áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay… giảm tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành và không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày 1/11/2023.

Sacombank bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 5%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất - kinh doanh cuối năm.

VPBank triển khai gói vay 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm cho khách hàng cá nhân đến hết năm 2023. Khoản vay của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua ôtô, nhà, sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng. Tỷ lệ cho vay lên tới 85% tài sản đảm bảo và thời gian tối đa đến 35 năm. Các gói vay này đều có thời gian phê duyệt nhanh, chỉ trong vòng 5 phút qua hệ thống tự động VPBank Race.

Nhà băng hiện nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 3% mỗi năm so với lãi trên biểu chung cho khách hàng doanh nghiệp, tập trung nhóm xuất nhập khẩu. Trước đó, đơn vị trong 8 tháng đầu năm đơn vị triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và hiện đã giải ngân hết.

Song song, ACB đẩy mạnh cho vay bằng tiền đồng để doanh nghiệp xuất khẩu có thể tránh tỷ giá biến động. ACB áp dụng lãi suất cho vay bằng VND khoảng 4,5% mỗi năm cố định ba tháng và 5% mỗi năm cố định 6 tháng, gần tương đương lãi suất vay USD. Nhà băng đơn giản quy trình, giúp việc giải ngân nhanh hơn.

Còn tại SeABank, mức lãi suất cho vay mua nhà được ngân hàng này áp dụng từ nay đến cuối năm 2023 chỉ từ 4,9%/năm với thời gian cho vay lên đến 35 năm và không giới hạn về hạn mức. Hết thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay được ngân hàng này áp dụng là 11 - 12%/năm.

PvcomBank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm với nhiều phương án trả nợ, cho phép ân hạn nợ gốc.

Lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, trong 1 năm đầu là 9%/năm.

Các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc. Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó; hoặc 8,5%/năm trong năm đầu; 9,3%/năm trong 2 năm đầu; 9,5%/năm trong 3 năm đầu...

Thông tin được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng công bố tại Quốc hội đầu tuần này, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Sau hơn 3/4 chặng đường của năm 2023, kết quả này mới đạt 50% so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng chậm được NHNN chỉ ra là: cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng đều giảm). Bên cạnh đó, NHNN cho rằng, tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây giảm sút về tốc độ, quy mô, do ít phát sinh dự án lớn...

Các chuyên gia của HSBC nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó.

Phó thống đốc Thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cũng cho biết, lãi suất cho vay vẫn cao vì những món cho vay cũ chưa giảm. Việc quyết định lãi suất cho vay là quyền của ngân hàng thương mại, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ngân hàng phải giảm lãi suất ở hầu hết các loại hình cho vay.

Vì thế, Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu ngân hàng rà soát lại các món vay cũ để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ đề: Lãi suất ngân hàng,
Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.