Nhằm giúp ngân hàng thương mại (NHTM) tăng thanh khoản, tiếp cận nguồn vốn rẻ, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động “bơm” tiền với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn thông qua hoạt động tái cấp vốn, thị trường mở...
Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 6, NHNN đã rót vào các NHTM là 33 ngàn tỉ đồng và tháng 5 là 50 ngàn tỉ đồng. Từ những nỗ lực này của NHNN, lác đác vài NHTM giảm lãi suất cho vay trong biên độ từ 1 – 2%/năm.
Tại sao ngân hàng “kêu” khó?
Không phủ nhận những nỗ lực của các ngân hàng trong việc cung vốn ra thị trường, nhưng mức lãi suất ưu đãi trong những chương trình mà họ đưa ra mới chỉ dành cho khách hàng thân thiết, có dự án kinh doanh hiệu quả…
“Lãi suất 14%/năm là doanh nghiệp đã có thể có lãi, nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp tiếp cận được mức lãi suất này?”, ông Đặng Minh Quang, phó tổng giám đốc công ty CP quốc tế Sơn Hà băn khoăn.
Phía doanh nghiệp, họ muốn sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, vì vậy, khi lãi suất có xu hướng giảm, họ sẽ tăng vay. Điều này là do, khi kinh tế đang ở giai đoạn bình thường hoặc có sự tăng trưởng cao thì tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay cao hơn lãi suất tiền vay bình quân.
Không chỉ có lãi vay, do nguyên tắc tính thuế, đó là thuế được tính trên cơ sở lợi nhuận đã trừ đi tiền lãi vay nên khoản thuế mà doanh nghiệp phải đóng sẽ giảm đi (lá chắn thuế). Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có hệ số nợ càng cao thì khoản thu nhập phải đóng sẽ càng ít.
Ngân hàng lại có cách tính toán khác. “Nếu càng cho doanh nghiệp vay nhiều, dù doanh nghiệp đó đang làm ăn hiệu quả, ngân hàng sẽ trở thành người đỡ đòn rủi ro cho doanh nghiệp. Vì vậy ngân hàng phải tự hạn chế và xác định được hệ số nợ của doanh nghiệp ở mức độ bao nhiêu là hợp lý”, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách, đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét.
Một lý do nữa khiến ngân hàng chưa muốn giảm lãi suất là họ vẫn có lợi nhuận cao dù tín dụng không tăng nhiều – bán hàng ít với giá cao vẫn có thể có lợi nhuận cao như bán hàng nhiều với giá thấp.
Năm tháng đầu năm, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đạt lợi nhuận trước thuế trên 3.000 tỉ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch cả năm; Sacombank đạt 966 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2009… Những ngân hàng này, nguồn thu từ tín dụng không còn chiếm tỷ trọng lớn nữa.
Trong cơ cấu thu nhập của Sacombank tính đến hết ngày 31.5.2010, nguồn thu từ tín dụng chiếm 24,27%. Còn với VCB, tính luỹ kế năm tháng đầu năm 2010, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt khoảng 11,3 tỉ USD; trong đó xuất khẩu là 5,7 tỉ USD và nhập khẩu là 5,6 tỉ USD.
Một điểm đáng chú ý là trong năm tháng đầu năm, VCB bán ròng một lượng ngoại tệ đáng kể, doanh số mua là 4,858 tỉ USD, doanh số bán là 5,108 tỉ USD.
Trong lĩnh vực thẻ, năm tháng đầu năm VCB đã phát hành 11.603 thẻ tín dụng quốc tế; doanh số sử dụng thẻ do ngân hàng này phát hành đạt 1.120,4 tỉ đồng, doanh số thanh toán là 292,7 triệu USD.
Nhiều điều kiện để giảm lãi suấtCuộc họp giữa NHNN, hiệp hội Ngân hàng và lãnh đạo các NHTM cuối tuần đầu tháng 6, các NHTM đều kêu khó giảm lãi suất với nhiều nguyên nhân như lãi suất trái phiếu cao, khó huy động vốn…
Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi những diễn biến trong thời gian qua thì dường như ngân hàng không mặn mà lắm với việc giảm lãi suất xuống 12% như chỉ đạo của Chính phủ. Vì nếu cân đối, việc hạ lãi suất vẫn có thể đạt được.
Cơ sở đầu tiên để giảm lãi suất là từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, NHNN chủ động bơm vốn qua thị trường mở (OMO). Lãi suất qua thị trường này chỉ có 7,5 – 8%/năm.
Công cụ để NHTM huy động vốn qua thị trường mở cũng tương đối dồi dào khi những phiên đấu giá trái phiếu chính phủ gần đây đều thành công với lãi suất trúng thầu đang giảm xuống. Phiên đấu giá 2.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ ngày 17.6 đã được bán hết với lãi suất là 10,6% cho kỳ hạn 3 năm và 10,95% cho kỳ hạn 5 năm.
Trước đó, trong số 3.800 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm được đấu thầu thành công của tháng 5.2010, có khoảng 18.000 tỉ đồng là của NHTM với lãi suất dưới mức 11,25%. NHTM có thêm lượng giấy tờ có giá để có thể thế chấp vay NHNN với lãi suất thấp – có thêm nguồn vốn rẻ.
Lãi suất liên ngân hàng, kể từ đầu tháng 4, luôn có xu hướng giảm, đến tuần lễ 4 – 10.6, lãi suất cho vay thấp nhất đã 5%/năm (không tính lãi suất không kỳ hạn).
Ông Phạm Quyết Thắng, tổng giám đốc ngân hàng Dầu khí (GP.Bank) cũng thừa nhận việc giảm lãi suất là khó nhưng không phải là không thể giảm được.
Cafeland.vn
theo SGTT