Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) những tháng gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, doanh nghiệp BĐS phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở và quan điểm của NHNN là cần phải xem xét cẩn thận trước khi bơm tiền vào thị trường này.
Ngân hàng sẽ không “nhón tay” với bất động sản

Sẽ chưa có chuyện bơm thêm tiền cho thị trường BĐS.


Chia sẻ quan điểm trước báo giới, ông Tiến cho biết, tỉ lệ dư nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS tính đến 31/12/2011 là 3,52% và đang có xu hướng giảm. Tỉ lệ nợ xấu này có nguyên nhân là do nhiều dự án mà ngân hàng đã mạnh tay cho vay trước đây bị mất khả năng thanh khoản, cộng với lãi suất từ đầu năm tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ.


“Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước, theo NHNN thì việc doanh nghiệp BĐS phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thực sự” – ông Tiến khẳng định.


Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng, mặt bằng giá BĐS hiện nay đang bị đẩy lên quá cao so với khả năng của số đông người dân, vượt giá trị thực của sản phẩm BĐS do bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều tay trong giai đoạn trước đây.


Chính vì vậy, quan điểm của lãnh đạo NHNN cần phải thận trọng khi tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường này. Cụ thể là nếu cho doanh nghiệp vay để hình thành BĐS, tăng nguồn cung trên thị trường thì làm tăng tình trạng mất cân đối, đặc biệt là đối với các phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém.


Còn nếu cho vay mua BĐS sẽ làm giá cả tăng lên. Giá tăng lên làm cho các đối tượng cần hỗ trợ nhà ở càng khó khăn, nhà nước sẽ tốn kém hơn. Và như vậy chỉ các nhà đầu tư có lợi, đặc biệt là trong điều kiện tính minh bạch của thị trường thấp, chưa có biện pháp xử lý.


“Quan trọng hơn nữa, nếu không kiểm soát cho vay BĐS sẽ rất khó kiểm soát lạm phát và khó đưa lãi suất trở về mặt bằng thấp hơn hiện nay, kéo dài khó khăn cho nền kinh tế và đời sống nhân dân” – Phó Thống đốc nói.


Như vậy có thể thấy rằng, trong ngắn hạn, nguồn tín dụng cho thị trường BĐS sẽ còn bị giữ chặt và những hy vọng cũng như kỳ vọng của giới đầu tư, kinh doanh BĐS sẽ chưa thể thành hiện thực. Và một điều hiển hiện trước mắt là thị trường BĐS vẫn phải “tự thân”, tự làm tự ăn, tự cân đối cung – cầu mà thôi.

Theo Petrotimes
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.