Cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Hàng loạt nhà băng tăng lãi suất huy động
Trong vài tháng trở lại đây, hàng loạt ngân hàng thương mại lớn nhỏ đều đua nhau điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng nâng lên so với trước. Mức tăng tùy thuộc từng nhà băng với lãi suất cao nhất lên đến 8%/năm.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất tiền gửi tăng thêm 0,1%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng. Ở các kỳ hạn này, mức lãi suất đang được ngân hàng này áp dụng là từ 5,3 - 5,5%/năm. Còn kỳ hạn 6 - 12 tháng, lãi suất huy động theo hình thức lĩnh lãi cuối kỳ từ 6,4 - 7,2%/năm. Với kỳ hạn 13 - 24 tháng, mức lãi suất là 7,6 - 7,8%/năm. Riêng kỳ hạn 13 tháng lãi suất 7,7%/năm, dành riêng cho khách hàng có mức tiền gửi 500 tỷ đồng. Cao nhất là kỳ hạn 36 tháng với mức lãi suất 8%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi khá cao so với mặt bằng thị trường chung hiện nay.
Cùng với OCB, một số ngân hàng khác như Techcombank cũng công bố chương trình lãi suất mới, tăng 0,1%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 7 tháng và 15 tháng lên tương ứng ở mức 4, 7%/năm, 5,15%/năm, 5,65%/năm và 6,7%/năm. Mức lãi suất này áp dụng từ ngày 15/2. Đây cũng là lần điều chỉnh lãi suất thứ 4 chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016 của Techcombank.
Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa tiến hành điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng thời ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn.
Bên cạnh việc nâng lãi suất tiền gửi, không ít ngân hàng còn đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn cho khách hàng.
Đơn cử như Eximbank. Nhà băng này đang triển khai chương trình “Gửi dài lâu, Thêm tài lộc” dành cho khách hàng gửi tiền VND ở các kỳ hạn dài từ 15 tháng đến 36 tháng. Theo đó, mức lãi suất sẽ được tính tương ứng với từng lượng tiền gửi, dao động từ 7,2 – 7,5% đối với khoản gửi dưới 10 tỷ đồng. Mức cao nhất được Eximbank áp tới 8%/năm, đối với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ).
Hay mới đây, Ngân hàng Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã triển khai chương trình ưu đãi "Gửi tiền HDBank - Trúng vàng ký - Đón xuân như ý" với hàng loạt giải thưởng bằng vàng SJC dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm. Giá trị giải thưởng cao nhất với 1 kg vàng.
Lo ngại lãi vay tăng
Lý giải về việc điều chỉnh lãi suất theo hướng nhích lên, theo một số ngân hàng là nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân dịp đầu năm. Đồng thời, với các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế, thị trường bất động sản ấm lên, đây sẽ là bước chuẩn bị nguồn tiền quan trọng để đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng sắp tới.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang tích cực củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, khi gần đây thông tin về dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đang nóng. Theo dự kiến, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 40% thay vì 60% như hiện nay.
Việc tăng lãi suất không chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ, lẻ tẻ mà còn có cả nhiều ngân hàng quy mô lớn hơn. Tuy các mức lãi suất cao nói trên phần lớn chỉ áp cho những khoản tiền gửi lớn (từ 10 tỷ đồng) ở các kỳ hạn dài song đều này vẫn khiến nhiều người lo ngại sẽ diễn ra một cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng.
Người vay vốn thấp thỏm bởi một khi lãi suất huy động tăng thì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức từ 9% - 11%/năm như hiện nay khó giữ được ổn định. Nếu lãi suất cho vay tăng lên, chi phí tài chính tăng theo sẽ ngốn đi một phần không nhỏ lợi nhuận doanh nghiệp.
Trên thực tế, tình trạng này cũng đã từng diễn ra trong các năm 2011 – 2012. Tại thời điểm đó, các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp và người dân hằng ngày chỉ lo đi rút tiền gửi từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác. Lãi suất ngắn hạn lại cao hơn lãi suất dài hạn, khiến cho đường cong chuẩn về lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại sụp đổ. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều rơi vào tình trạng vô kỷ luật khi lao vào cuộc chạy đua lãi suất.
Mới đây, để chấn chỉnh hoạt động liên quan đến lãi suất huy động và cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.
Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.