CafeLand - Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo các nhà băng kiểm soát chặt việc huy động vốn khi thấy một số đơn vị tăng lãi suất tiền gửi nhanh ở một số kỳ hạn, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.

Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

Nhằm bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện quy định. Trong đó, duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất.

Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng; tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ theo dõi sát tình hình và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vi phạm.

  • Vì sao các ngân hàng lại lao vào cuộc đua tăng lãi suất?

    Vì sao các ngân hàng lại lao vào cuộc đua tăng lãi suất?

    CafeLand - Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng thấp, lãi suất của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rất thấp, thậm chí lãi suất âm. Đó là những tiền đề rất tốt cho việc giảm lãi suất ở Việt Nam trong thời gian tới.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.