Ảnh minh họa.
Trong 3 năm gần đây, tín dụng cho vay trong lĩnh vực bất động sản giảm dần. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng bất động sản chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi năm 2018 và 2019 tăng 26-28%. Riêng những tháng đầu năm 2021, tín dụng bất động sản tăng so với cuối năm 2020. Nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng lĩnh vực này không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn, như hết tháng 3-2019 tăng 5,13%. Điều đó cho thấy, tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 16-4, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.499.546 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đề cập tới tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Về cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế...
Đối với tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán, theo dữ liệu cập nhật mới nhất, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Theo nhóm tổ chức tín dụng, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác (chiếm 48,42%). Dư nợ chứng khoán tập trung ở một số tổ chức tín dụng: Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47%), Techcombank (2,46%)...
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khẳng định, ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản, cũng như các lĩnh vực rủi ro khác. Nếu có cho vay với bất động sản, ngân hàng này cũng đưa ra những điều kiện khắt khe và lựa chọn dự án có tính pháp lý rõ ràng, cùng với khả năng trả nợ của khách hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để góp phần đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
-
Những rủi ro cần đề phòng khi liên doanh phát triển bất động sản
CafeLand - Để phát triển một bất động sản thành công, bạn sẽ cần nhiều yếu tố, trong đó có việc lựa chọn cho mình những đồng minh tốt trong một liên doanh mà sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Tuy vậy, nhiều báo cáo gần đây đang nêu bật những rủi ro mà chủ sở hữu bất động sản có thể gặp phải, ngay cả khi họ đã hợp tác với các đối tác danh tiếng.