Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/11, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết lãi suất điều hành đã giảm 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số chỉ tiêu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, quan điểm điều hành là vừa phù hợp với thực tiễn, vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất. Ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo, đưa thông điệp và sử dụng các công cụ để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP
Trước hết là lãi suất điều hành, NHNN đã giảm 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số các chỉ tiêu, một số mức lãi suất.
Đối với các ngân hàng thương mại, thì đúng là đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 thì mức giảm là khoảng 1% so với cuối năm 2022.
Từ đầu năm, NHNN đã tính toán với mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khả năng chống chịu của nền kinh tế đất nước trước những khó khăn kép đang tác động tới nhiều mặt để điều hành chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay sẽ dưới 4,5% và hỗ trợ tăng trưởng.
NHNN đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1-1,5%.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo thống kê cũng như đánh giá của NHNN đến thời điểm hiện nay thì mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới sẽ giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm với mức lãi suất giảm.
“Tất nhiên còn một số khoản cho vay trước đây, khi mà các ngân hàng thương mại huy động cao thì vẫn có thể đang neo cao vì độ trễ chính sách”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, vấn đề này để đảm bảo hài hòa các phương án tài chính của ngân hàng thương mại khi huy động cao thì cho vay tương xứng.
Vì vậy, NHNN cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông Tú cũng thông tin thêm chiều 27/10 vừa qua, NHNN đã tổ chức hội nghị toàn ngành với 35 các ngân hàng thương mại lớn chiếm tỉ trọng chính cho vay của nền kinh tế. Hội nghị đã chỉ rõ những ngân hàng nào lãi suất còn cao, những ngân hàng nào lãi suất đã thấp, để những ngân hàng còn cao tìm biện pháp để giảm lãi suất hỗ trợ.
Đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò chủ lực, ví dụ như Vietcombank mức lãi suất cho vay trung bình hiện nay của tất cả các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn và tất cả những khoản cho vay cũ trước đây, cũng như các khoản cho vay mới hiện nay chỉ là 5,94%.
So với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái nó đã giảm 0,29%. Đây là ví dụ về ngân hàng thương mại có quy mô lớn, dư nợ lớn, hoặc là ngân hàng BIDV thì mức cho vay trung bình là 6,46% và so với cuối năm ngoái thì giảm 2,59% và so cùng kỳ thì giảm 0,15%.
“Cũng có những ngân hàng hiện nay mức cho vay bình quân còn cao, trên 9%. Tất cả những ngân hàng này đã được chỉ rõ và cũng đã yêu cầu phải tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất”, ông Tú nói.
NHNN cho rằng mức lãi suất của các ngân hàng thương mại với điều hành của NHNN đến thời điểm hiện nay thì đã tương đồng, thậm chí là vượt những kỳ vọng đặt ra từ đầu năm.
-
Nóng trong tuần: Lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thấp hơn trước dịch Covid-19
Lãi suất cho vay đã về bằng so với trước dịch Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%; Bình Thuận sẽ đầu tư đường ven biển hơn 7.600 tỉ đồng; Đề xuất “mở” quyền liên quan đến đất đai cho Việt kiều để thu hút kiều hối; Vướng luật, “siêu” sân bay Long Thành chưa được giao vốn... là những thông tin nóng trong tuần qua.
-
IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, vừa đưa ra cảnh báo rằng các mối đe dọa về thuế quan từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khiến chi phí vay dài hạn trên toàn cầu tăng cao....
-
Chuyên gia tài chính: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025...
-
Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?
Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách.