CafeLand - Trong một thông tư ban hành mới đây hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gây xôn xao dư luận khi được cho rằng đã cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY) thanh toán trực tiếp qua biên giới. Tuy nhiên, đại diện phía NHNN khẳng định lại rằng “cư dân thanh toán qua chợ biên giới chỉ được sử dụng đồng nội tệ”.

Quy định tại Thông tư 19 (Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thay thế Quyết định 689 ban hành năm 2004) dấy lên lo ngại về sự phát triển thái quá của 2 đồng tiền trong cùng một nền kinh tế. Quy định cũng vấp phải sự phản đối nhất định từ phía các chuyên gia kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước nói về Thông tư 19

Tuy nhiên, để làm rõ hơn về các quy định trong Thông tư mới ban hành này, trong cuộc trao đổi ngắn với CafeLand, đại diện truyền thông Ngân hàng Nhà nước lưu ý cần làm rõ một số điểm sau: 1. Thông tư 19 quy định khi thương nhân và cư dân thanh toán bằng Nhân dân tệ qua biên giới vẫn buộc phải thông qua hệ thống ngân hàng; 2. Trường hợp thanh toán tại các chợ khu vực cửa khẩu, biên giới vẫn buộc phải sử dụng đồng nội tệ. Cụ thể, tại địa bàn Việt Nam thì đồng tiền được chính thức sử dụng là VND, chứ không được thanh toán tiền mặt bằng đồng nhân dân tệ.

Theo đó, Thông tư 19 tập trung vào một số điểm mới sau: Bổ sung đối tượng tham gia và phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán phù hợp với từng hoạt động thương mại biên giới của thương nhân, của cư dân biên giới và tại chợ biên giới cho phù hợp với quy định tại Nghị định 14.

Quy định hướng dẫn cụ thể ba phương thức thanh toán trong thương mại biên giới Việt – Trung nêu trên áp dụng đối với từng hoạt động thương mại biên giới bao gồm: Thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới VN-TQ của thương nhân; Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới.

Thông tư cũng quy định về cơ chế ủy thác thanh toán bằng đồng CNY giữa các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, do trong thực tiễn đã phát sinh trường hợp các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam không có chi nhánh ngân hàng biên giới có nhu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán bằng CNY cho một số doanh nghiệp trong nội địa có hoạt động thương mại biên giới; hoặc trường hợp ngân hàng được phép trong nội địa có chi nhánh ngân hàng biên giới không thể thực hiện việc cung cấp dịch vụ thanh toán bằng đồng CNY cho khách hàng.

Trước đó, trả lời báo chí về Thông tư 19, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thông thường khi xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới phải thanh toán bằng ngoại tệ. Nhưng với những cư dân sinh sống hàng ngày tại khu vực biên giới, việc thanh toán bằng ngoại tệ sẽ gây khó khăn cho họ như mất chi phí chuyển đổi ngoại tệ, gây bất tiện trong đời sống hàng ngày... Do đó, việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán sẽ thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước giao thương.Chưa kể, điều này cũng giúp thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước về ngoại hối tại các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam; tạo sự đồng bộ với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

“Thực tế không chỉ riêng Việt Nam và Trung Quốc có cơ chế thanh toán biên mậu cho phép sử dụng đồng bản tệ như vậy. Trên thế giới, các nước có chung đường biên giới, có những hợp tác thương mại song phương thông thường cũng đi kèm các điều khoản về thanh toán bằng bản tệ, như Thái Lan, Myanmar, Nga, Trung Quốc...”, ông Minh khẳng định.

  • Có thể dùng nhân dân tệ tiền mặt mua bán hàng hoá

    Có thể dùng nhân dân tệ tiền mặt mua bán hàng hoá

    CafeLand - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN (Thông tư 19) hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có thể được thanh toán bằng Nhân dân tệ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

San San
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.