Động thái này của ngân hàng được đưa ra nhằm bảo vệ khách hàng của họ trước nguy cơ trừng phạt của phương Tây.

Ngân hàng lớn thứ 3 tại Nga Gazprombank đã chuyển quỹ tiền gửi của khách hàng ở Bỉ và Luxembourg về “sân nhà” để bảo đảm sự an toàn trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong tương lai.

Theo đó, số tiền đã được chuyển từ Ngân hàng Euroclear (Brussels) và Ngân hàng Clearstream (Luxembourg) về Trung tâm lưu ký trung ương Nga từ cuối tháng 4 vừa qua.

Thông báo trên trang web của Gazprombank cho biết, động thái này của ngân hàng được đưa ra nhằm bảo vệ khách hàng của họ trước bất kỳ nguy cơ trừng phạt nào và ngăn chặn tình huống tài khoản của khách hàng bị đóng băng.

“Việc chuyển giao được thực hiện nhằm ngăn chặn những hạn chế về giao dịch có thể xảy ra đối với tài sản của khách hàng được gửi trong các hệ thống thanh toán và tiền gửi quốc tế”, thông báo nhấn mạnh.

Ngân hàng Gazprombank có tổng tài sản 110,5 tỷ USD. Ngân hàng này có 49,6% cổ phần thuộc sở hữu của quỹ liên kết hưu trí Gazfond; 35,5% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom OAO và 10% cổ phần thuộc sở hữu của VEB, ngân hàng phát triển quốc gia Nga.

Để chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt, trong tháng 3, Gazprombank cũng đã chuyển gần 7 tỷ USD về Ngân hàng trung ương Nga nhằm giữ an toàn.

Tính đến ngày 1/4, Ngân hàng trung ương Nga đã nắm giữ khoảng 486 tỷ USD trong dự trữ quốc tế, giảm 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Danh sách cấm vận gần đây nhất của Mỹ bao gồm 17 công ty nhưng không bao gồm Gazprombank và Vnesheconombank (VEB).

Trước đó, Chủ tịch của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga Rosneft là ông Igor Sechin đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây, còn Chủ tịch của Gazprombank vẫn nằm ngoài danh sách. Tuy nhiên, rất nhiều các nhà chính trị gia Mỹ đều ủng hộ việc đưa cả Gazprom và Rosneft vào lệnh trừng phạt nhằm tấn công vào công nghiệp năng lượng - trung tâm của nền kinh tế Nga./.

Thùy Anh (VOV online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.