Việc hạn chế trường hợp “tiền vào nhà có” cũng để góp phần hạn chế yếu tố ảo trong dòng vốn hệ thống ngân hàng hiện nay, hạn chế nguồn vốn giữa các thành viên bị lợi dụng lẫn nhau.
Còn với giới ngân hàng, mô hình và cách làm của vị doanh nhân này, hay của tập đoàn Mường Thanh gợi cho họ những so sánh và suy nghĩ.
Trong một lần trò chuyện bên lề, lãnh đạo một ngân hàng thương mại kể với VnEconomy rằng, chuyên viên tín dụng đã từng tìm hiểu để đánh giá tiềm năng hợp tác. Thế nhưng, kết quả tìm hiểu cho thấy tập đoàn này gần như không có nhu cầu vay vốn.
Mức độ nhu cầu vay vốn đó, tự tập đoàn Mường Thanh cân nhắc. Còn theo quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng trên: “Trong kinh doanh, không vay vốn ngân hàng cũng chưa hẳn đã tốt”.
“Tiền vào nhà có”
Có những trường hợp doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng: không có nhu cầu, có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện để vay…
Ngược lại, đáng chú ý là trường hợp doanh nghiệp kinh doanh rất tốt, hiệu quả, hạng mức tín nhiệm cao trong mắt ngân hàng, nguồn vốn tự có và dòng tiền lớn, dư dả, không có nhu cầu thực nhưng vẫn vay ngân hàng. Họ vay để tốt hơn.
Trong thang bậc xếp hạng tín dụng của các ngân hàng thương mại, đó hẳn là những doanh nghiệp tốt nhất. Lãi suất cho vay được áp ưu đãi nhất. Ngoài hạng mức tín nhiệm, ngân hàng còn nhiều lý do để áp lãi suất cho rất thấp, vì bù lại là quan hệ đan chéo sản phẩm dịch vụ, quản lý dòng tiền, thanh toán xuất nhập khẩu, đến cả tiềm năng khách hàng là cán bộ nhân viên, hệ thống đại lý, thậm chí để cùng phát triển hình ảnh thương hiệu…
Với nhiều lý do đó, nhiều ngân hàng cùng chen chân cạnh tranh cho vay nhóm này. Lãi suất cho vay càng cạnh tranh thì càng thấp, điều kiện cho vay và cả giám sát sử dụng vốn càng dễ chịu.
Doanh nghiệp đó vay vốn, “tiền vào nhà có”. Vay để tốt hơn nằm ở tình huống: họ vay lãi suất thấp, đem gửi sang ngân hàng khác lãi suất cao, nắm chênh lệch. Đây là thu nhập ngoài sản xuất kinh doanh, gọi là đầu tư tài chính cũng được. Còn cách gọi đời thực hơn là doanh nghiệp đi kinh doanh ngân hàng, “kiếm lời trên lưng ngân hàng”.
Những trường hợp trên góp phần giải thích cho hiện tượng lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động, được phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.
Ngân hàng né dần
Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay vừa công bố, nếu xét báo cáo tài chính riêng lẻ, tín dụng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm nhẹ.
Một lãnh đạo chuyên trách của VPBank giải thích rằng, trùng hợp ngẫu nhiên kỳ báo cáo, nhiều khoản vay lớn đáo hạn, nhưng chính họ cũng chủ động giảm bớt một số khoản vay vào các doanh nghiệp lớn. Bởi lẽ, cạnh tranh cho vay ở nhóm doanh nghiệp lớn và được đánh giá tốt này ngày càng quyết liệt, hiệu quả thu được qua lãi suất cho vay càng kém đi.
VPBank chuyển hướng mạnh sang phân khúc tín dụng tiêu dùng. Nếu tính riêng mảng này, tín dụng họ vẫn tăng trưởng tới khoảng 20%. Mảng này dĩ nhiên là mức độ rủi ro lớn hơn so với cho vay các doanh nghiệp “nhà có điều kiện” nói trên, nhưng đổi lại biên lợi nhuận cao hơn.
Nhìn sang Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận nửa đầu năm nay và đang triển vọng cả năm bứt phá rất mạnh so với nhiều năm qua. Góp phần quan trọng trong đó là sự dịch chuyển rõ nét sang phân khúc cho vay thể nhân và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng trưởng tương ứng tới 18,12% và 16,22% nửa đầu năm nay).
Như trên, “tiền vào nhà có” phải cạnh tranh lãi suất quyết liệt, lãi thu về thấp. Cho vay hai phân khúc trên có lãi biên tốt hơn. Xu hướng dịch chuyển đó, nói đúng hơn là chú trọng, không chỉ có riêng tại Vietcombank mà ở hầu hết các ngân hàng khác được xem như là một giải pháp: trong điều kiện mặt bằng lãi suất cho vay khó tăng lên, nhà điều hành đang phấn đấu giảm, lãi suất huy động khó giảm, áp lực lợi nhuận cần những khách hàng vay cho chênh lệch tốt hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn khác cũng thừa nhận rằng, nếu cứ tập trung cạnh tranh lãi suất cho vay rất thấp vào nhóm doanh nghiệp “có điều kiện” nói trên, hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng hạn chế. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng khá, nhưng chỉ tiêu năm nay Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt, dự kiến tại nhiều thành viên tối đa cũng chỉ được 17% mà thôi.
Mặt khác, theo quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng trên, việc hạn chế trường hợp “tiền vào nhà có” cũng để góp phần hạn chế yếu tố ảo trong dòng vốn hệ thống hiện nay, hạn chế nguồn vốn giữa các thành viên bị lợi dụng lẫn nhau.
“Tại hội nghị sơ kết hệ thống nửa đầu năm nay, chúng tôi quán triệt rồi. Với những doanh nghiệp rất tốt đó, xét thấy và giám sát thấy họ thực sự có nhu cầu và sử dụng vốn vay thực, chúng tôi sẵn sàng cho vay lãi suất ưu đãi. Vì dù sao cũng cao hơn nếu so với cho vay lãi suất trên liên ngân hàng. Nhưng, nếu xét thấy doanh nghiệp đó có tình trạng vay tay phải, gửi tay trái thì chúng tôi hạn chế”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Tình huống vay tay phải, gửi tay trái nói trên được phân tích rộng hơn là gây ảo trong hoạt động ngân hàng, dòng vốn chạy loanh quanh, không thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Nó một phần phản ánh tín dụng tăng trưởng tốt, nhưng một phần nhất định không đến được những nơi cần vốn.
Như trên, hiện các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh hơn tín dụng sang tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…, đến những nơi thực sự cần vay hơn. Dĩ nhiên mức độ rủi ro sẽ cao hơn, yêu cầu giám sát và quản lý chặt chẽ hơn, nhưng lãi biên thu được tốt hơn, cũng như dòng vốn đi vào tiêu dùng, sản xuất kinh doanh thực tế hơn.