Phân khúc nhà, đất ở Hà Nội giá 2-3 tỷ đồng/BĐS đã có nhiều giao dịch thành công. Ảnh: Xuân Phú
Chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố hạ lãi suất cho vay xuống 17-19% hôm 5-9, ngày 12-9, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng công bố chính sách tương tự. Đây là ngân hàng quốc doanh thứ hai hạ lãi suất theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhưng là ngân hàng thứ 12 điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức 17-19% mỗi năm với một số lĩnh vực.
Về lãi suất đầu vào, tuần qua, 20 ngân hàng lớn tuyên
bố thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tiền đồng ở mức 14%/ năm và
trần lãi suất USD 2%. Như vậy, quyết tâm thực hiện trần lãi suất huy
động tiền đồng 14% nhằm đẩy lãi suất cho vay xuống 17-19% của Ngân hàng
Nhà nước (NHNN) từ tháng 9 đã bước đầu có chuyển biến rõ rệt.
Với việc NHNN công bố sẽ thanh tra và tiến hành xử lý
nghiêm những trường hợp vi phạm, bức tranh kinh tế vĩ mô đang ủng hộ cho
sự ấm lên của thị trường bất động sản. Bởi nếu mức lãi suất huy động
duy trì được ở mức 14% trong những tháng cuối năm, mức lạm phát vẫn cao
(tính đến cuối tháng 8, CPI đã vượt dự kiến của Chính phủ đề ra), chắc
chắn dòng vốn trong dân thay vì gửi vào ngân hàng sẽ được chuyển sang
các kênh đầu tư khác có thể đem lợi nhuận cao hơn.
Theo nhận định của một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng,
một số ngân hàng thời gian qua có mức độ tăng trưởng tín dụng âm cũng sẽ
phải tìm cách giải ngân trong thời điểm này.
Vàng và ngoại tệ vẫn là những lựa chọn đầu tư của nhiều nhà đầu tư, nhưng các kênh đầu tư này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Thị trường vàng thế giới biến động nên đây không phải là lĩnh vực đầu tư thực sự hấp dẫn.
Với chứng khoán. Mặc dù có vẻ đang “bật” trở lại, song
chứng khoán cũng không phải là thị trường dành cho số đông nên rút cuộc -
nói như Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính
Quốc gia tại hội thảo “Quy hoạch Thủ đô và tiềm năng phát triển thị
trường bất động sản” diễn ra ngày 10-9, khi lãi suất giảm, địa ốc sẽ
được hưởng lợi nhất.
Phát biểu tại hội thảo này, ông Trần Ngọc Chính, Ủy viên Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng thủ đô Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội phát triển đô thị VN cũng nhận định: Thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt, cuối năm sẽ ấm dần lên. Cũng theo ông Chính, nhiều khả năng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét, điều tiết vấn đề tài chính phù hợp hoàn cảnh thực tế thị trường BĐS hiện nay.
Cung với đà giảm của lãi suất ngân hàng và các tín hiệu lạc quan từ chính sách vĩ mô, thị trường nhà đất Hà Nội đang dần hồi sinh. Theo một số sàn giao dịch BĐS, lượng giao dịch thành công đã tăng 20% ở một số phân khúc so với tháng trước. Không chỉ khu vực trung tâm, nhà đất tại những quận vùng ven như Long Biên, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Xuân… cũng đã có khách trở lại.
Sự khởi sắc tuy chưa đồng đều và chủ yếu ở phân khúc
nhà, đất có giá khoảng 2-3 tỷ đồng, nhưng cũng đem lại nhiều hy vọng cho
thị trường. Phân tích các tín hiệu này, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng
giám đốc Công ty CP Sông Đà - Thăng Long nhận định: Mặt bằng giá BĐS Hà
Nội đã về “vùng hấp dẫn”, khó có thể kỳ vọng giảm nữa. Thực tế, thị
trường BĐS vừa qua cũng cho thấy, thị trường nhà đất HN dù ít giao dịch
nhưng một số nhà đất ở vị trí tốt, quy mô hợp lý vừa túi tiền của nhiều
người thì giá giảm rất ít.
“Đặc tính của nhóm người đầu tư không chuyên (chiếm
phần lớn thị trường -PV) là không dám mạnh dạn cắt lỗ và khi thị trường
xuống quá thấp thì họ giữ lại và coi giá đó là khởi điểm cho một kỳ đầu
tư khác. Vì vậy, đó cũng là cái khó cho khách mua mới nếu quá khắt khe
trong lựa chọn”, ông Việt lý giải.
Trao đổi với báo chí khi triển khai các giải pháp để hạ lãi suất và duy trì trần lãi suất huy động ở mức 14% theo chỉ đạo của NHNN, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết: Đại diện mốt số ngân hàng lớn đã đề nghị NHNN báo cáo Thủ tướng có giải pháp về chính sách tiền tệ cho thị trường BĐS. Theo ông Hà, nếu duy trì tình trạng như hiện nay, có ngày thị trường sụp đổ. Câu chuyện của thị trường hiện nay không còn là thắt chặt tín dụng, vì thị trường BĐS còn là đầu ra cho thị trường sắt thép, xi măng, lao động... Quyền Thanh |