Thông tin về tái cấu trúc rồi hạn mức chi trả bảo hiểm chỉ 50 triệu đồng được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây khiến giới ngân hàng lo lắng.
Ngân hàng lo hiệu ứng “Tăng Sâm”
Khi trần lãi suất được làm nghiêm, cách tính lãi mới đang xuất hiện trong huy động vốn của các ngân hàng.

Cái họ lo là một hiệu ứng bất lợi như trong điển tích “Tăng Sâm giết người” đến với khách hàng của mình.

Chuyện rằng, thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Tăng Sâm là học trò giỏi của Khổng Tử, nổi tiếng là đức độ. Một lần vắng nhà, có kẻ trùng tên với ông giết người. Nhầm lẫn, một người đến báo với mẹ ông rằng: “Tăng Sâm giết người”. Tin con, bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt vải. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt vải. Nhưng lại thêm một người nữa đến báo, lúc này mẹ Tăng Sâm sợ thật, quăng thoi và chạy trốn.

Chiều 8/11, phóng viên VnEconomy nhận được cuộc gọi từ giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Hà Nội. Trong câu chuyện của ông, bức xúc đưa ra là hoạt động ngân hàng hiện nay như đang vô tình bị đẩy đến hiệu ứng thông tin như trong câu chuyện của Tăng Sâm vậy.

“Trong dư luận hiện nay người ta nói về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhiều quá. Mà nói tái cấu trúc thì cứ như phải phá sản các ngân hàng nhỏ, phải sáp nhập, giải thể. Thông tin nhiều và dồn dập quá tạo một hiệu ứng hoài nghi lẫn lộn hướng về các ngân hàng nhỏ, gây tâm lý hoang mang trong khách hàng khiến việc huy động vốn rất khó khăn”, ông bức xúc.

Theo phân tích của ông, bao năm nay không có chuyện ngân hàng phá sản, giải thể. Khả năng đó trên thực tế hiện nay cũng không đơn giản, cũng như lộ trình tái cấu trúc còn chưa rõ ràng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu quan điểm, tái cấu trúc đi cùng với mua bán, sáp nhập không phải theo quy mô; ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả vẫn có vị trí của mình trên thị trường.

“Người dân và khách hàng vẫn tin ngân hàng, nhưng họ chưa chuẩn bị sẵn tâm lý cho những thông tin tác động dồn dập như vậy nên niềm tin có thể bị lung lay, dễ bị hoang mang và dị nghi”, nguồn tin phản ánh nói thêm.

Chưa hết, giám đốc chi nhánh trên còn cho biết, thời gian gần đây ngày nào ông cũng nhận được phàn nàn của nhân viên mình. Họ phải giải thích, tư vấn khi nhiều khách hàng yêu cầu trả lời vì sao hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi khi có rủi ro chỉ được có 50 triệu đồng.

“Có lẽ dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi đang được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội, nhiều thông tin đưa ra trong đó tập trung về hạn mức chi trả chỉ có 50 triệu đồng dù có gửi 1 tỷ đồng hay 10 tỷ đồng khi có rủi ro xẩy ra. Rồi lại có quá nhiều cụm từ “ngân hàng phá sản”, “đóng cửa ngân hàng”, “ngân hàng mất thanh khoản”… trong thông tin khiến họ càng lo ngại. Chứ bao năm nay vẫn hạn mức như vậy đâu có sao”, giám đốc chi nhánh trên nhìn nhận.

Trong email gửi đến cụ thể cho phóng viên, đó cũng là những cụm từ mà ông in đậm, gắn với câu chuyện tái cấu trúc đang là một chủ đề chính trong các dòng chảy thông tin, cộng hưởng với sự “khó hiểu” của khách hàng về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi chỉ 50 triệu đồng.

“Khổ quá! Việc phá sản một ngân hàng ở Việt Nam không đơn giản. Nó cũng khác với sáp nhập, mua - bán các ngân hàng, hay mỗi ngân hàng tự tái cấu trúc chính mình để mạnh hơn, hoạt động tốt hơn. Và dù có tình huống không hay thì lợi ích và tài sản của khách hàng gửi tiền đều được đảm bảo đầu tiên”, ông nhấn mạnh.

Ngày 10/10/2011, hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 bế mạc cùng với quyết định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Và từ cuối tháng 10 đến nay, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trở thành một chủ đề nóng trong các dòng chảy thông tin. Trong những bình luận, định hướng, “vô tình” có một hiệu ứng bất lợi dẫn đến khó khăn như đại diện ngân hàng trên phản ánh.

Cũng trong phản ánh này, một khó khăn khác trong huy động vốn cũng đang đặt ra với họ. Khi trần lãi suất được làm nghiêm, một yêu cầu mà khách hàng đặt ra là các ngân hàng phải tính toán lại cơ chế tính lãi tiền gửi.

Theo cách tính cũ, tiền lãi tiết kiệm được tính: (tiền gốc x 14%)/365 x số ngày thực tế. Cách tính mới mà một số khách hàng yêu cầu là: (tiền gốc x 14%)/360 x số ngày thực tế. Ở cách tính mới, mẫu số giảm đi thì tiền lãi nhận được lớn hơn.

Đây là yêu cầu đặt ra từ các khoản tiền gửi lớn, nhưng cũng đang “lan” sang các khoản tiền gửi nhỏ dù chênh lệch ở lãi thực nhận không lớn. Với ngân hàng, việc hạch toán cho “rổ” chung của hệ thống theo cách tính mới là đáng kể, nhưng để cạnh tranh và huy động vốn nên cũng phải xem xét…
Theo Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh