Hầu hết ngân hàng công bố kết quả lợi nhuận năm 2019 đến nay đều là những con số kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của mỗi ngân hàng.

Tính đến nay, đã có 16 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2019, trong đó, toàn bộ ngân hàng đều cho biết tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên hai chữ số so với 2018.

Theo thống kê, con số lợi nhuận tại cả 16 ngân hàng nói trên đều là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của mỗi đơn vị.

4 ngân hàng quốc doanh làm ăn ra sao?

Hiện tại, 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất hệ thống (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) đều đã công bố kết quả lợi nhuận năm 2019. Trong đó, cả 4 nhà băng này đều đạt lợi nhuận kỷ lục từ trước đến nay.

Trong khi Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 1 tỷ USD, 3 nhà băng còn lại đều lần đầu thu về lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong khối quốc doanh và toàn hệ thống với 23.155 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với năm trước, lợi nhuận tại nhà băng này đã tăng 27%, tương đương gần 4.900 tỷ.

Đến cuối năm 2019, tổng huy động vốn tại ngân hàng ước đạt 1,039 triệu tỷ, tăng 14,1% so với đầu năm. Tương tự, số dư nợ tín dụng cùng thời điểm đạt hơn 735.000 tỷ đồng, tăng 15,9%, và tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,77%.

Trong khi đó, không phải ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, nhưng Agribank là cái tên gây bất ngờ nhất trong mùa kết quả kinh doanh năm nay khi lãi tăng trưởng 73%. Xét về số tuyệt đối, đây cũng là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm với 5.355 tỷ tăng thêm.

Với tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt 1,45 triệu tỷ; huy động vốn trên 1,34 triệu tỷ và dư nợ cho vay trên 1,12 triệu tỷ, ngân hàng này thu về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết ngoài lợi nhuận từ cho vay và dịch vụ, đóng góp vào con số nói trên còn có lợi nhuận từ xử lý và thu hồi nợ xấu đạt trên 12.000 tỷ đồng.

Agribank năm vừa qua cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC.

“Nếu xét về lợi nhuận trên nhân viên, Agribank có thể không bằng các ngân hàng khác, nhưng nếu xét về số lượng khách trên mỗi nhân viên ngân hàng đang phục vụ, Agribank tự tin là số 1. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của nhân viên, cán bộ ngân hàng”, bà Phượng chia sẻ.

Hiện, Agribank cũng là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất hệ thống với khoảng 14%.

Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng tuyệt đối hơn 5.000 tỷ là Vietinbank, nhà băng này năm vừa qua thu về tới 11.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ, tương đương tăng 81% so với năm trước.

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay mà nhà băng này đạt được.

Đến cuối 2019, tổng tài sản tại Vietinbank đạt 1,24 triệu tỷ, tăng 6,5%. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 7,2%, đạt 952.000 tỷ; huy động vốn tăng 5%, cũng đạt 892.000 tỷ đồng.

Với BIDV, dù tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 14% nhưng vẫn giúp ngân hàng ghi nhận con số kỷ lục 10.768 tỷ đồng.

Hiện tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này đạt 1,098 triệu tỷ, tăng 12,4% so với năm 2018, và chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành.

Ngân hàng nào cũng lãi kỷ lục

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, hiện có 12 cái tên đã công bố kết quả kinh doanh, nhưng hai ngân hàng được kỳ vọng nhất gồm Techcombank và VPBank vẫn chưa tiết lộ con số lợi nhuận thu về năm vừa qua.

Tuy vậy, những ngân hàng đã công bố đều ghi nhận con số kỷ lục trong lịch sử kinh doanh.

Theo đó, MBBank hiện là ngân hàng ngoài khối quốc doanh có lợi nhuận cao nhất, đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 30%. Năm 2018 trước đó, Techcombank là nhà băng duy nhất trong nhóm này có lợi nhuận trên 10.000 tỷ.

Lãnh đạo MBBank cho biết, đến cuối năm 2019, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 400.000 tỷ, tăng 13%, trong đó, tài sản sinh lời tăng khoảng 13% và chiếm 96% tổng tài sản.

Hai vị trí tiếp theo trong khối tư nhân hiện thuộc về ACB và HDBank với lần lượt 7.500 tỷ và 5.018 tỷ đồng. Tuy vậy, mức tăng trưởng của hai nhà băng này đều dưới 30%, thấp hơn mặt bằng chung của ngành năm vừa qua.

Với việc dẫn đầu thị phần cho vay trong mảng mua xe ôtô 3 năm liên tiếp (chiếm 25%), lãnh đạo VIB dự kiến lợi nhuận năm nay của ngân hàng sẽ đạt trên 4.000 tỷ trước thuế. So với năm trước, con số này đã tăng 46% và là mức cao nhất trong lịch sử ngân hàng nói riêng.

Quán quân tăng trưởng lợi nhuận năm vừa qua đang thuộc về nhà băng của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga - SeABank với mức tăng lên tới 124%.

Theo công bố từ nhà băng này, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm vừa qua ước đạt 1.391 tỷ đồng, tăng 768 tỷ tuyệt đối, tương đương 124% so với năm 2018.

Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp lợi nhuận tại ngân hàng tăng trưởng dương. So với năm 2014, lợi nhuận của SeABank đã tăng gấp 16 lần.

Nhiều ngân hàng tư nhân còn lại như TPBank, OCB, Sacombank, VietBank… đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 40-70% năm vừa qua.

“Tăng trưởng tín dụng chỉ là một phần, nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục năm qua là nhờ xử lý và thu hồi nợ xấu. Những khoản nợ này trước đó đã được ngân hàng trích lập dự phòng, khi nợ được xử lý thu hồi, phần hoàn nhập sẽ cộng thẳng vào lợi nhuận của ngân hàng”, lãnh đạo bộ phận xử lý nợ của một ngân hàng lớn nói với PV.

Quang Thắng (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.