Ngày 15-12, 3 NHTMCP Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến cổ đông về đề án hợp nhất 3 NH này thành NH có tên gọi dự kiến là NH Sài Gòn (SCB) với tổng vốn điều lệ hơn 10.583 tỷ đồng. NH mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 NH hợp nhất.

Tại sao là SCB?


Theo đề án hợp nhất trình cổ đông của SCB (mới), các bên thống nhất tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phổ thông của 3 NH là 1:1 (mỗi cổ phiếu phổ thông của 1 NH sẽ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu của NH mới theo nguyên tắc ngang bằng mệnh giá).


Trong mọi trường hợp không áp dụng chuyển đổi cổ phiếu thành tiền. Báo cáo kiểm toán 9 tháng năm 2011 của từng NH sẽ là cơ sở cho việc hợp nhất các số liệu kế toán và chuyển giao tài sản.


Các biến động tài sản trong khoảng thời gian từ 0 giờ ngày 1-10-2011 tới ngày hợp nhất sẽ được các NH theo dõi riêng và chuyển giao toàn bộ số liệu cho SCB (mới). Giá trị sổ sách của 3 NH hợp nhất sẽ được chuyển giao cho SCB (mới) vào ngày hợp nhất và vốn điều lệ của SCB (mới) sẽ bằng tổng vốn điều lệ của 3 NH theo kết quả kiểm toán hợp nhất do NHNN chỉ định.


Ngân hàng hợp nhất có tên SCB

Các bên sẽ chịu chi phí phát sinh liên quan đến việc hợp nhất. SCB (mới) sẽ có vốn điều lệ gần 10.584 tỷ đồng, tổng tài sản 153.626 tỷ đồng và tổng số cổ phần lưu hành hơn 1.058 tỷ cổ phần, trong đó 14 cổ đông tổ chức trong nước chiếm 14,41% cổ phần, 3.679 cổ đông cá nhân trong nước chiếm 85,17% cổ phần và cổ phiếu quỹ chiếm 0,41%. SCB (mới) sẽ có 1 hội sở chính, 1 sở giao dịch, 49 chi nhánh, 119 phòng giao dịch, 54 quỹ tiết kiệm, 2 điểm giao dịch, 1 công ty trực thuộc.


NH mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 NH Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Ngay sau thời điểm việc hợp nhất có hiệu lực, toàn bộ lao động có ký hợp đồng với 3 NH trên sẽ trở thành lao động của SCB (mới). Dự kiến cơ cấu nhân sự NH mới sẽ bao gồm: hội đồng quản trị (11 thành viên), ban kiểm soát (5 thành viên), ban cố vấn (4 thành viên), ban điều hành (12 thành viên)...


Trong cơ cấu lãnh đạo mới này, BIDV sẽ đảm nhận chức vụ phó chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc thường trực và tham gia một số ban, bộ phận quan trọng. Sau khi đại hội cổ đông bất thường thông qua việc hợp nhất, các bên sẽ phối hợp hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc lên NHNN.


Dự kiến ngày 23-12, NH mới sẽ tổ chức đại hội cổ đông hợp nhất và việc hợp nhất sẽ hoàn tất cuối quý I-2012.


Vấn đề được dư luận quan tâm là tại sao lại chọn tên SCB thay vì ghép tên với 2 NH còn lại. Theo một chuyên gia NH, chọn tên SCB là hợp lý vì đây là NH có vốn điều lệ, tổng tài sản và số lượng chi nhánh, CBCNV… lớn nhất trong 3 NH.


Hơn nữa, thương hiệu SCB được người dân biết đến nhiều hơn, thể hiện qua vốn huy động của NH này cao nhất trong 3 NH hợp nhất. Vì vậy, với tên gọi mới SCB sẽ tận dụng thương hiệu cũ đã có tiếng, thay vì chọn thương hiệu mới sẽ phải tốn kém thêm chi phí.


Cổ đông kỳ vọng gì?


Hiện tại BIDV đã đưa 22 cán bộ chủ chốt trực tiếp vào làm việc với 3 NH trên tinh thần hợp tác để khảo sát, đánh giá toàn diện hoạt động 3 NH này. Lãnh đạo BIDV dự kiến lộ trình tham gia của mình với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ khi có chủ trương đến ngày tiến hành hợp nhất (dự kiến vào ngày 1-1-2012) tạo pháp nhân mới.


BIDV sẽ thay mặt Nhà nước hỗ trợ chi trả các khoản tiền gửi hợp pháp. Còn trên thị trường liên NH, NHNN kêu gọi các NHTM tạm thời giãn các khoản vay.


Giai đoạn 2, NHNN sẽ chỉ định cơ quan để kiểm toán, đánh giá chất lượng hoạt động của NH mới. Vai trò của BIDV vẫn tiếp tục hỗ trợ NH mới trong quá trình chi trả cho người gửi tiền hợp pháp. Vốn của Nhà nước được dùng hỗ trợ cho việc xử lý thanh khoản của các NH trước và sau khi hợp nhất.


Điểm đáng lưu ý là BIDV được giao nhiệm vụ quản lý phần vốn của Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho 3 NH, chứ không phải là đại diện vốn sở hữu của Nhà nước.


Ngân hàng hợp nhất có tên SCB

Ngoài ra, BIDV sẽ hỗ trợ 3 NH trong việc xác định mô hình quản trị điều hành và hoạt động sau khi hợp nhất, đặc biệt hỗ trợ việc thu hồi các khoản nợ, đánh giá tài sản đảm bảo nợ.


Từ nay đến ngày 31-12, các NH sẽ thực hiện trình tự thủ tục pháp lý hợp nhất, công ty kiểm toán độc lập sẽ xác định lại toàn bộ giá trị của 3 NH. Thời gian ổn định của NH mới dự kiến khoảng 1 năm, quá trình tái cơ cấu khoảng 3 năm.


SCB mới đưa ra kế hoạch: năm 2012 có tổng tài sản đạt 168.105 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng; năm 2013: lợi nhuận sau thuế 1.185 tỷ đồng và năm 2014: 1.865 tỷ đồng. Mục tiêu của SCB mới đến năm 2014 có vốn điều lệ gần 16.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông mới chiếm gần 6.000 tỷ đồng (tương đương 37,5%).


Để tăng năng lực tài chính, SCB mới dự kiến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để phát hành thêm cổ phiếu; xây dựng phương án phát hành cho cổ đông mới có mục tiêu đầu tư dài hạn; đồng thời phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cấp 2, qua đó đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn chung CAR.


Nhiều chuyên gia cho rằng SCB mới có nhiều cơ hội hồi phục nhanh bởi NH này có tích sản lớn, trong đó có nhiều bất động sản thuộc những khu đất vàng, nếu khai thác hợp lý sẽ sớm xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng.


Có thể cổ đông của SCB trong trung hạn từ 1-3 năm sẽ chưa nhận được lợi tức, nhưng về dài hạn sau giai đoạn củng cố, cổ đông sẽ là người hưởng lợi chính từ giá trị cổ phiếu được nâng lên khi tình hình tài chính của NH này lành mạnh hơn.


VNBA cam kết đảm bảo an toàn hệ thống

Cuối tuần qua, Hiệp hội NH (VNBA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2011-2015). Đại hội thông qua nghị quyết, theo đó 55 thành viên là các NH, công ty tài chính của VNBA cam kết nỗ lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đảm bảo an toàn hệ thống; tích cực hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, tạo ổn định trong thanh khoản, giữ ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ trên bình diện đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến yêu cầu VNBA đóng vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý với những thành viên tham gia thị trường để cùng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn hệ thống, hoàn thiện thể chế chính sách.

Đại hội đã nhất trí bầu 13 thành viên vào hội đồng VNBA, do NHTMCP Ngoại thương, mà người đại diện là ông Nguyễn Hòa Bình, làm Chủ tịch và bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng làm Tổng thư ký.

T. MƯỜI

Theo Dịu Ngân (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh