7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ vừa được huy động thành công trong phiên đấu thầu ngày 11/5/2012 tại Sở GDCK Hà Nội với lãi suất trúng thầu dưới 11%/năm. Điều đáng lưu ý của phiên đấu thầu này là có rất nhiều thành viên tham gia dự thầu, với khối lượng dự thầu hợp lệ lớn hơn nhiều khối lượng gọi thầu.
Cụ thể, 1.000 tỷ đồng loại trái phiếu có kỳ hạn 2 năm đã nhận được sự tham dự của 14 thành viên đấu thầu, với mức đăng ký dự thầu hợp lệ là 6.320 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 8,30 - 11,06%/năm. Chung cuộc, 1.000 tỷ đồng trái phiếu loại này được bán với lãi suất trúng thầu 8,95%/năm. Lãi suất này thấp hơn lãi suất trúng thầu phiên trước đó 1,40%/năm.
Với trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, khối lượng gọi thầu là 3.000 tỷ đồng, nhưng 17 thành viên dự thầu đã đăng ký mua với khối lượng 10.900 tỷ đồng. Kết quả, huy động thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất trúng thầu 9,15%/năm, thấp hơn lãi suất trúng thầu phiên trước đó 0,25%/năm.
Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có khối lượng gọi thầu là 3.000 tỷ đồng, thu hút được 9 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu đăng ký là 5.152 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 8,93 - 11%/năm. Kết quả, huy động thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 9,45%/năm, thấp hơn lãi suất trúng thầu phiên trước đó 1,03%/năm.
Diễn biến phiên đấu thầu ngày 11/5 cho thấy, nhiều thành viên đấu thầu, trong đó chủ yếu là ngân hàng, đang có nguồn vốn dư thừa lớn, chấp nhận mua trái phiếu với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Trong thời gian gần đây, hoạt động huy động vốn từ hình thức đầu thầu trái phiếu tại HNX diễn ra suôn sẻ, không chỉ bởi sự cải thiện về công tác đấu thầu và niêm yết trái phiếu, mà nguyên nhân quan trọng nhất là nhiều thành viên đấu thầu có dòng tiền nhàn rỗi lớn, nhưng không tìm được cách giải ngân hiệu quả hơn. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 49.224 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua hình thức đấu thầu.
Theo Hiệp hội trái phiếu, tổng lượng trái phiếu chính phủ lưu hành hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,4% GDP. Đây là một tỷ lệ thấp nếu so với Philippine (30%); Singapope (42%); Malaysia (60%)…
Trái phiếu chính phủ huy động thành công theo nhu cầu vốn của Ngân sách là một kết quả tích cực, nhưng sẽ tích cực hơn nếu dòng chảy vốn trong nền kinh tế cân bằng được nhu cầu vốn của DN và nhu cầu vốn của Ngân sách. Theo nhiều chuyên gia, dù Ngân sách dễ dàng huy động được vốn từ công cụ trái phiếu, nhưng điều quan trọng nhất để thị trường phát triển bền vững là sự minh bạch và hiệu quả từ việc sử dụng dòng vốn này.