04/08/2010 5:05 AM
Đó là tăng trưởng và lạm phát, lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cùng áp lực từ việc vừa phải ổn định tỷ giá, vừa phải kiềm chế nhập siêu.
Ngân hàng đối mặt với ba áp lực lớn
Năm 2010, Việt Nam cùng lúc phải thực hiện hai mục tiêu: tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn năm 2009 (6,5% so với 5,32%), trong khi vẫn phải kiềm chế lạm phát (không quá 8%).

Để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, một trong những biện pháp hiện nay là phải hạ mặt bằng lãi suất cho vay, bởi lãi suất cho vay cao khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp, kéo theo tăng trưởng kinh tế thấp.

Nếu hạ lãi suất cho vay, tiền từ ngân hàng ra lưu thông nhiều hơn, trong khi nếu hạ lãi suất huy động, tiền từ lưu thông vào ngân hàng sẽ ít hơn. Yếu tố tiền tệ này cộng hưởng với các yếu tố khác (độ trễ của tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng khá cao của năm 2009, giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao hơn giá xuất khẩu, trong khi bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 8,1%, giá một số mặt hàng là đầu vào của hầu hết hàng hóa, dịch vụ tăng theo lộ trình định giá thị trường…) có thể dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát.

Trong bối cảnh đó, muốn hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng phải giảm chênh lệch lãi suất cho vay với lãi suất huy động và giảm lãi suất huy động.

Chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động theo tính toán lâu nay là 2,5-3%/năm. Nếu tích cực tăng thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khác và quyết liệt giảm thiểu chi phí hoạt động, thì mới có thể rút chênh lệch trên xuống còn 2%/năm.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khác năm nay khó khăn hơn năm trước, nhất là khi hoạt động của các sàn vàng (chủ yếu là của các ngân hàng thương mại) ở trong nước đã được đóng cửa; sàn vàng ở nước ngoài đang trong trạng thái tất toán để chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 6 này; thu nhập từ kinh doanh chứng khoán cũng khó khăn khi thị trường chứng khoán chưa có động lực tăng điểm bền vững.

Lãi suất huy động những tháng đầu năm ở mức 10,5%/năm (chưa kể khuyến mãi); sau khi thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đã tăng lên khoảng 11,5%/năm. Trước các động thái của Ngân hàng Nhà nước, kể cả việc phối hợp vận động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mức lãi suất đã được điều chỉnh hạ, nhưng từ đầu tháng 5 trở lại đây, lại có xu hướng nhích lên.

Có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động biến động, như ngân hàng đón đầu cơ hội cho vay tăng trong thời gian tới; một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động để thu hút vốn; các ngân hàng lớn cũng phải tăng lãi suất để giữ chân khách gửi tiền…

Trong điều kiện nhập khẩu cao gấp 1,2 - 1,3 lần xuất khẩu, khi tỷ giá VND/ngoại tệ tăng, xuất khẩu được lợi một lần, thì nhập khẩu bị thiệt 1,2 - 1,3 lần, vừa làm tăng giá tiêu dùng trong nước (do nhập khẩu lạm phát), vừa làm giảm hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nói chung, sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng khi tính gia công trong sản xuất của Việt Nam còn rất lớn.

Nhập siêu tăng, tất yếu sẽ tạo áp lực đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, cũng như ổn định tỷ giá và sẽ gây áp lực không nhỏ tới hệ thống ngân hàng.

Cafeland.vn
theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.