Để tăng trưởng dư nợ, góp phần phá băng thị trường địa ốc, cũng như giải quyết nợ xấu, các ngân hàng đang tìm cách đẩy vốn vào thị trường bất động sản.
Đối tượng cho vay mà các ngân hàng hướng tới trong lĩnh vực trên là khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực và các dự án có đầu ra ổn định.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, mặc dù là ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng thời gian tới, Eximbank sẽ đẩy mạnh tín dụng cá nhân, trong đó tập trung chủ yếu cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở.

Cụ thể, Eximbank vừa đưa ra gói vốn 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự, với mức lãi suất 12%/năm (cố định trong 2 năm đầu kể từ khi ký hợp đồng vay vốn). Số tiền vay được Eximbank tài trợ tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo trong thời hạn đến 15 năm. Sau 2 năm đầu tiên, Eximbank sẽ tính lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ 2,5%. Khách hàng được linh hoạt trong trả nợ vay.

Ông Phước cho biết, tính đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản của Eximbank chỉ chiếm khoảng 4 - 5%, nên dư địa cho vay ở lĩnh vực này còn rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Ngân hàng ồ ạt đẩy vốn cho vay đối với thị trường nhà đất. Ngược lại, Eximbank chỉ đẩy mạnh hoạt động tín dụng nhà ở.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cho biết, tính đến thời điểm này, tín dụng cho vay ở lĩnh vực bất động sản của Sacombank chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn Ngân hàng. “Tăng trưởng dư nợ của Sacombank đến cuối tháng 11 đạt hơn 9%. Khả năng đến cuối năm, tăng trưởng dư nợ sẽ đạt 12%. Trong đó, cơ cấu vốn cho vay trung, dài hạn chiếm 20 - 21% tổng dư nợ”, ông Khang nhận định và cho biết, Ngân hàng chỉ đẩy vốn cho chủ đầu tư có dự án địa ốc khả thi, đồng thời tập trung vào tín dụng nhà ở dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà.

Trong khi đó, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp đang tìm kiếm các dự án bất động sản khả thi để tài trợ vốn cho chủ đầu tư và chi mạnh vốn cho cá nhân mua nhà.

Phó tổng giám đốc OCB, ông Phạm Linh cho biết, không chỉ đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng (cá nhân mua, sửa chữa nhà…), OCB đang tìm các dự án có đầu ra khả thi để tài trợ vốn cho chủ đầu tư. Mới đây, OCB đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 80 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Nam Long triển khai Dự án căn hộ Ehome 3…; triển khai chương trình ưu đãi giảm mạnh lãi suất (3%) đối với cá nhân vay mua nhà/căn hộ.

“OCB đã và đang nỗ lực hỗ trợ vốn cho các dự án bất động sản, nhưng chỉ chọn lọc các dự án khả thi, có đầu ra tốt”, ông Linh nói.

Tại HDBank, ngoài việc hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, với mức lãi suất thấp nhất 8,6% (áp dụng cho 3 tháng đầu tiên), Ngân hàng cũng tìm kiếm các dự án tốt để tài trợ vốn. Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, thị trường bất động sản dự báo chưa thể phục hồi trong thời gian sớm, nên nếu đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực này, ngân hàng phải chọn lọc kỹ lưỡng, nhằm giảm rủi ro nợ xấu tăng.

Dù ngân hàng đẩy mạnh vốn cho bất động sản, nhưng do áp lực lãi suất vẫn còn cao, cộng với tâm lý chờ giá bất động sản giảm sâu hơn nữa, nên khách hàng cá nhân vẫn chưa mặn mà với việc vay vốn ngân hàng để mua nhà.

“Lãi suất cho vay mua nhà mà ngân hàng áp dụng hiện nay vẫn còn quá áp lực đối với cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực, cũng như doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận xét.

Theo Thúy vinh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.