08/03/2020 7:30 PM
Những thay đổi bất ngờ của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong những tuần gần đây đã làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại cơ hội giảm thêm lãi suất huy động cho các ngân hàng.

Ngân hàng là nhóm có giá trị trái phiếu phát hành lớn nhất trong năm 2019, với tổng số hơn 108.700 tỉ đồng. Ảnh: THÀNH HOA

Khi vốn quá dồi dào

Tiền gửi vào ngân hàng đã tăng mạnh mẽ trong suốt một tháng qua, ngoài thông lệ dòng vốn quay trở lại hệ thống sau Tết, năm nay phát sinh thêm sự kiện ngoài mong đợi là dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đã thúc đẩy dòng vốn tìm đến ngân hàng như là kênh trú ẩn an toàn, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác suy giảm mạnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trì trệ và sức cầu tiêu dùng suy yếu.

Trong khi đó, hai năm qua, các ngân hàng tăng mạnh vốn tự có thông qua việc phát hành thêm cổ phần, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn điều lệ, cộng thêm việc phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn nhằm đảm bảo đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel 2 có hiệu lực từ đầu năm nay, cũng như theo lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Với chính sách phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nhiều ngành nghề, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, các ngân hàng rõ ràng cũng muốn giảm lãi suất huy động đầu vào để duy trì biên độ lãi suất, mới mong đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho năm nay.

Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11-2019, vốn tự có của toàn ngành tăng hơn 107.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018, riêng nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước tăng hơn 55.800 tỉ đồng và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng gần 27.300 tỉ đồng.

Trong đó, vốn điều lệ toàn ngành tăng hơn 32.000 tỉ đồng, chủ yếu gồm nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng gần 13.900 tỉ đồng, nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước và ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng xấp xỉ 7.300 tỉ đồng, ngân hàng chính sách xã hội cũng tăng thêm gần 3.400 tỉ đồng.

Còn theo số liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngân hàng là nhóm có giá trị trái phiếu phát hành lớn nhất trong năm 2019, với tổng số hơn 108.700 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 36,6%, kỳ hạn bình quân hơn 3,7 năm. Ở mảng trái phiếu quốc tế, dù nhiều ngân hàng đăng ký phát hành nhưng chỉ có mỗi VPBank đã phát hành thành công được 300 triệu đô la Mỹ ở kỳ hạn ba năm. Tiếp nối đà này, trong tháng 1 năm nay, đã có thêm gần 485 tỉ đồng trái phiếu do các ngân hàng phát hành, với kỳ hạn bình quân hơn 8,4 năm.

Chưa dừng lại ở đó, trước nguy cơ dịch lan rộng gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Công ty Tài chính quốc tế IFC mới đây cho biết sẽ tăng tài trợ thương mại cho các ngân hàng, như là chính sách góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn. Cụ thể, tổng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng An Bình, TPBank, VIB, VPBank sẽ được tăng lên mức 294 triệu đô la Mỹ.

Những diễn biến trên khiến thanh khoản hệ thống rơi vào tình trạng dư thừa, nhất là khi ngay từ cuối năm 2019, nhiều ngân hàng đã tranh thủ tăng cường huy động vốn thông qua các giải pháp tăng lãi suất ở kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, để chuẩn bị cho các mục tiêu kinh doanh trong năm nay.

Giờ đây mọi thứ đang diễn ra không như kỳ vọng, khi hoạt động cho vay suy yếu và dự kiến có một năm không mấy suôn sẻ, dẫn đến các ngân hàng có thể sẽ phải lựa chọn hành động phù hợp để ứng phó.

Động lực giảm lãi suất

Dù NHNN đầu năm nay tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14%, tuy nhiên mới đây, một nguồn tin từ NHNN chia sẻ việc điều hành trong năm nay sẽ “cực kỳ khó” nên cần thận trọng.

Chính sách tiền tệ chưa nới lỏng nên việc tăng trưởng tín dụng không dễ dàng, thậm chí không nằm ngoài nguy cơ không tăng trưởng được. Thực tế nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể đạt khoảng 12%.

Trong khi đó, chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng mới được nhận vào cuối tháng 2 thấp hơn năm 2019. Theo đó hạn mức cho một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank dao động từ 8,5-10%, còn với một số ngân hàng tư nhân quy mô lớn thì khoảng 11-13%.

Rõ ràng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và thu hẹp hoạt động đầu tư kinh doanh, thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao khó có thể đạt được.

Trước thực trạng vốn đầu vào dồi dào nhưng không thể đẩy nhanh cho vay ra như mong muốn, các ngân hàng buộc phải tìm các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, thời gian qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lẫn lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ liên tục đi xuống mức thấp, do đó lựa chọn chủ động giảm lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí sử dụng vốn có thể là chiến lược phù hợp trong tình hình hiện nay.

Một nguyên nhân khác có thể thúc đẩy quyết định giảm lãi suất đầu vào của các ngân hàng là nhằm giữ biên độ sinh lãi không bị co hẹp trước những thay đổi mới. Cụ thể trước tình hình nhiều ngành nghề rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, NHNN đã sớm yêu cầu các ngân hàng phải có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, NHNN đã sớm hiện thực hóa bằng hành động, khi ngày 26-2-2020 đã ban hành dự thảo quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch do virus corona.

Với chính sách phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nhiều ngành nghề, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, các ngân hàng rõ ràng cũng muốn giảm lãi suất huy động đầu vào để duy trì biên độ lãi suất, mới mong đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho năm nay.

Mới đây, vào ngày 27-2, Trung Quốc cho biết đang xem xét cắt giảm lãi suất tiền gửi lần đầu tiên sau năm năm, nhằm hỗ trợ các ngân hàng hàng chịu sức ép vì phải hy sinh lợi nhuận thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, để giúp hàng triệu công ty gặp khó khăn về vốn trước ảnh hưởng nặng nề của sự bùng phát virus corona, cũng như đang phải gồng mình trong tình trạng nợ xấu gia tăng. Lãi suất cho vay cơ bản của nước này đã bị cắt giảm 3 lần trong sáu tháng qua.

Trong thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn tới, áp lực lên hoạt động tiền gửi của các ngân hàng ngoài các biến số lạm phát, tỷ giá hay giá vàng nhảy múa, còn là việc tăng cường vốn trung, dài hạn để đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 40% về 37% vào đầu tháng 10 tới.

Tuy nhiên, thực tế lộ trình giảm như trên là không quá căng thẳng, ngoài ra tỷ lệ này hiện nay của toàn hệ thống vẫn đang nằm dưới mốc 30%. Thậm chí trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn, nhà điều hành có thể lựa chọn hoãn việc điều chỉnh này, như đã từng trì hoãn trong quá khứ.

Đối với các áp lực từ lạm phát, tỷ giá hay giá vàng, sẽ gặp nhiều thách thức hơn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ và NHNN phải đồng bộ, thận trọng, linh hoạt và đảm bảo mục tiêu ổn định là trên hết. Điều tích cực là chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2 vừa qua đã giảm trở lại 0,17% so với tháng trước khi cầu tiêu dùng suy yếu, giá vàng hạ nhiệt cùng với sự điều chỉnh mạnh của giá vàng quốc tế, trong khi tỷ giá dù đi lên nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.

Hồ Lê (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.