15/10/2021 12:38 PM
Các ngân hàng thương mại đang dần hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với những con số tích cực.

Cụ thể, kết thúc quý 3 năm 2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng thông bố đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế riêng quý 3 đạt gần 64 tỷ đồng, tăng gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận lãi sau thuế đạt 164,4 tỷ đồng, tăng tới 698% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2020.

Tính đến ngày 30.9.2021, tổng tài sản của NCB đạt trên 81.000 tỷ đồng; thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cũng như tăng cường công tác xử lý, thu hồi nợ… Các hoạt động khác cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng như: thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư… Tại thời điểm cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng bứt phá. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng tới 93,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.

SHB cho biết, có được kết quả này bởi SHB đã nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí trên nền tảng số hóa và quản trị tốt. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng ở mức dưới 30%, mức tối ưu trong hệ thống, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến 30.9.2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm.

Vốn tự có của ngân hàng đạt hơn 43,3 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện đang là 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay theo phương án đã được NHNN chấp thuận. Trong đó, SHB sẽ chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc quý 3, tỷ lệ nợ xấu của SHB được kiểm soát ở mức 2,1%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa cho biết, 9 tháng 2021, ngân hàng đã đạt gần 76% kế hoạch lợi nhuận của cả năm với khoảng 4.400 tỷ đồng.

Thu lãi thuần từ dịch vụ trong 9 tháng 2021 của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tổng chi phí hoạt động của ngân hàng tăng chỉ 8% so với cùng kỳ năm trước. So với tốc độ tăng trưởng doanh thu (39%), có thể thấy các hoạt động của TPBank đã được tối ưu hóa hơn. Nhờ vậy, chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) trong một năm qua đã giảm mạnh từ 40% xuống 31,67%. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE của ngân hàng lần lượt là 2,01% và 22,59%.

Tính đến hết ngày 30.9.2021, tổng tài sản của TPBank đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong 3 quý qua là 15%.

So với thời điểm này một năm trước, trích lập dự phòng của TPBank đã tăng xấp xỉ gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ 1,02%, mức nợ xấu này thậm chí còn thấp hơn khá nhiều so với tỷ 1,43% một năm trước đó.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng vừa thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết ngày 30.9.2021, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30.9.2020 xuống còn 39%.

SeABank cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở nhiều mảng hoạt động. Cụ thể, mới hết quý 3 song chỉ tiêu tổng tài sản đã được ngân hàng hoàn thành tới 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tiêu cho vay khách hàng cũng được hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Không công bố lợi nhuận ước thực hiện, song đáng chú ý thu thuần từ hoạt động dịch vụ của SeABank tăng mạnh 181%.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) báo cáo lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 879 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ, đạt 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2021.

Trước đó, một số dự báo cho rằng lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng sẽ giảm mạnh so với hai quý đầu năm. Cụ thể, Công ty FiinGroup dự báo lợi nhuận quý 3.2021 của 9 ngân hàng dự kiến giảm 13,4% so với quý 2 đây là quý thứ 2 liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là hai nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này, theo FiinGroup.

Trong khi đó, theo báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán SSI, sẽ có 8/9 ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 3. Đáng chú ý, SSI dự đoán lợi nhuận trước thuế quý 3 của Techcombank sẽ tăng mạnh 35% so với cùng kỳ lên 5.200 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của Vietcombank (5.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng, theo SSI, Techcombank sẽ đạt 16.700 tỷ đồng (tăng 56,2%) vẫn thấp hơn so với Vietcombank là 18.600 tỷ đồng (tăng 16,3%).

SSI cho rằng, Vetcombank bị ảnh hưởng bởi việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ngoài ra, SSI cũng dự đoán lợi nhuận của một số ngân hàng ở mức cao trong quý 3 như: MBBank (3.400 tỷ đồng), VPBank (3.200 tỷ đồng), VietinBank (3.000 tỷ đồng),…

Trong quý 3, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15.7.2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9.2021, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Lũy kế từ 23.1.2020 cuối tháng 9.2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15.7.2021 đến cuối tháng 9.2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.​

  • SSI: Techcombank sẽ vượt Vietcombank, trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý 3.2021

    SSI: Techcombank sẽ vượt Vietcombank, trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất quý 3.2021

    Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3.2021 của 32 công ty, trong đó có 8 ngân hàng bao gồm: Ngân hàng ACB (mã chứng khoán: ACB), Ngân hàng VietinBank (mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng HDBank (mã chứng khoán: HDB), Ngân hàng MBBank (mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng Techcombank (mã chứng khoán: TCB), Ngân hàng TPBank (mã chứng khoán: TPB), Ngân hàng Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng VIB (mã chứng khoán: VIB).

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.