Thông thường hằng năm, mức tiêu thụ thép mấy tháng sau Tết thường thấp do các công trình vẫn còn dư âm của kỳ nghỉ Tết, nhưng năm nay, thị trường thép diễn biến trái quy luật, ngay từ đầu tháng 1 giá thép đã khá "nóng".
alt

Sản xuất phôi thép ở nhà máy thép Đình Vũ (Hải Phòng). ( Ảnh: Quang Hưng )
Ðiều đáng quan tâm là lo ngại giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng trên thế giới tăng vọt, đẩy giá thép thời gian tới có thể tăng thêm, nhiều đại lý, doanh nghiệp thương mại, nhà thầu xây dựng đã tăng mua tích trữ thép. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Sức ép tỷ giá tăng 9,3%, lãi suất ngân hàng cao cùng với giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế và than cốc thế giới đều có bước nhảy vọt về giá khiến giá thép không có cách nào khác buộc phải tăng theo. Ngay trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp đã có vài lần tăng giá, dao động từ 400 nghìn lên một triệu đồng mỗi tấn. Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ ngày 17, 18-2, một số doanh nghiệp thép lại tiếp tục tăng giá 300 - 500 nghìn đồng/tấn. Hiện giá thép bán tại nhà máy ở mức 17,5 triệu đến 18 triệu đồng một tấn (chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển). VSA cho biết, các doanh nghiệp phải nhích giá dần dần để tránh gây sốc cho thị trường. Hiện giá phôi vẫn đang giữ mức kỷ lục 690 USD/tấn (tăng khoảng 90 USD so với cuối năm trước), thép phế 550 USD và dự báo có chiều hướng tiếp tục tăng.

Trái với dự báo của VSA từ cuối năm 2010, thị trường thép đầu năm sẽ ảm đạm, thực tế tháng 1 vừa qua, giá thép đã tăng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tấn và lượng tiêu thụ cũng tăng mạnh. Lượng thép xây dựng bán ra của các DN trong VSA trong tháng 1 vừa qua đạt gần 470 nghìn tấn, tăng gần 70 nghìn tấn (7,2%) so với tháng trước đó và cao hơn 35% so với cùng kỳ. Mặc dù giá thép tăng, các công ty kinh doanh vẫn tiếp tục mua thép để đón đầu, chờ giá lên vì dự báo, tính toán trước giá thép sẽ tiếp tục tăng. Trước đó, vào cuối tháng 12-2010, nhiều DN thép đã đăng ký xin tăng giá thép, nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xác định: Ðể bù đắp các chi phí đầu vào tăng, trong tháng 11-2010 các DN thép đã hai lần điều chỉnh tăng giá. Ðể góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, Cục Quản lý giá đề nghị các đơn vị tiết kiệm chi phí, giữ ổn định giá thép, không tiếp tục tăng giá thép.

Lo ngại giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá thép thời gian tới tăng lên, các DN thương mại, đại lý buôn bán thép cũng như những DN, nhà thầu xây dựng đã tranh thủ mức giá ở thời điểm này đón đầu mua trước với số lượng lớn tích trữ trong kho. Nhu cầu tăng mạnh khiến giá thép cũng tăng theo chiều thẳng đứng. Biến động mạnh của thị trường thép vừa qua chứng tỏ đã có hiện tượng đầu cơ, tích trữ 'găm' thép chờ giá lên bán kiếm lời. Ðại diện VSA nhận định, từ nay đến đầu tháng 4, giá bán ra của DN thép nằm trong tình trạng 'đuổi' theo giá mua của lô hàng tiếp theo, khi các DN chốt hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào thì giá sẽ trở lại ổn định. Nhiều khả năng giá thép sẽ không tăng cao hơn được nữa cũng như DN cũng không thể 'găm' hàng quá lâu chờ tăng giá. Phân tích các dữ kiện, VSA khẳng định thị trường năm nay sẽ không khan hiếm thép. Nếu các DN thương mại, nhà thầu xây dựng, đại lý có tâm lý tích trữ 'găm' hàng, sẽ vô tình 'kích thích' các DN sản xuất thép tăng giá và tạo khan hiếm giả tạo, phá vỡ quy luật cung - cầu, làm mất ổn định thị trường. Hệ lụy là các dự án, công trình xây dựng bị đội vốn, buộc phải ngừng thi công, không mua thép để điều chỉnh đơn giá. Xã hội sẽ phải 'oằn lưng' cõng những chi phí không đáng có, lợi ích rơi vào một nhóm các nhà sản xuất, kinh doanh thép, ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách Nhà nước. Nếu tình trạng đầu cơ không được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời, 'thảm cảnh' xả hàng giảm giá thép hồi đầu và giữa năm ngoái lại có nguy cơ tái diễn. Ðặc thù của ngành thép tồn kho chỉ ở mức dưới 300 nghìn tấn/tháng, dự trữ phôi cũng chỉ 500 nghìn tấn/tháng, thì DN thép mới bảo đảm hiệu quả và kinh doanh có lãi. Ðẩy giá thép lên quá cao, không phù hợp quy luật thị trường, các DN thép còn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của thép nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc, luôn luôn rẻ hơn thép trong nước 500 - 600 nghìn đồng/tấn. Thị trường thép 'đóng băng' sẽ tác động ngược, gây thiệt hại không nhỏ đến chính mình. Trong đợt biến động của thị trường thép năm trước, nhiều đại lý thép lớn bị lỗ tới hàng tỷ đồng, nhiều DN sản xuất thép cận kề bờ vực phá sản.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì một số DN thép dường như quên mất trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, giảm chi phí để bình ổn giá mà chỉ chăm chăm vào quyền lợi của mình. Ngành thép thời gian qua đã được 'nuông chiều' quá mức, khiến một số DN thừa thời cơ biến động thị trường để thao túng, đầu cơ gây sốt ảo. Ðể góp phần thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường chặt chẽ, chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời tình trạng đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường thép, tạo sốt giá ảo do các đại lý đầu cơ gây ra.

tag, CafeLand, lo ngai dau co thep

Cafeland.vn - Theo Nhân dân điện tử
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland