Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại số 136 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: THANH TAO. |
Lần đầu tiên, Bộ Tài chính thừa nhận thực trạng trên có nguồn gốc lịch sử sâu xa: các DNNN thường được thành lập sớm hoặc sử dụng quỹ nhà, đất sau khi tiếp quản từ chế độ cũ nên được bố trí những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Cụ thể như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có được văn phòng tại 136 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM từ sau năm 1975; tập đoàn Điện lực Việt Nam đóng trụ sở chính tại 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội... Tình trạng các DNNN sở hữu nhiều bất động sản và trong đó có những vị trí “vàng” là thực tế đang tồn tại ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ tài chính đất đai đối với Nhà nước lại không thực hiện đầy đủ. |
Ở TPHCM chẳng hạn, Tổng công ty Lương thực miền Nam từng có tới 351 các điểm bán lẻ, các cơ sở kinh doanh lương thực nằm rải rác khắp các quận, huyện của thành phố khi tổ chức kinh doanh lương thực thời bao cấp.
Bộ Tài chính ước tính, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất. Bộ nhận định, các DNNN chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ tài chính đất đai đối với Nhà nước lại không thực hiện đầy đủ.
Các công ty 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hóa đang có lợi thế chiếm giữ nhiều nhà, đất, ở những vị trí có giá trị thương mại cao, nhưng sử dụng, khai thác chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng, cho thuê lại kiếm lời; cá biệt có không ít nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống trong khi nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế khác lại không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh.
“Tranh thủ” bán nhà xưởng
Liệu đề án xử lý đất đai dôi dư ở các doanh nghiệp nhà nước có mở đường cho một đợt chuyển đổi đất đai ồ ạt từ khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cuối cùng thì cả Nhà nước và người dân đều không được hưởng lợi? |
Trong bối cảnh đó, nhiều DNNN đã “tranh thủ” bán trụ sở, nhà xưởng để lấy vốn tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong số 351 mặt bằng của Tổng công ty Lương thực miền Nam, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 233 mặt bằng, trong đó khoảng 30% được giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh, 2% chuyển mục đích sử dụng đất, khoảng 2% được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, số còn lại được thu hồi và chuyển giao cho chính quyền thành phố quản lý.
Tất nhiên, là có những lời than phiền. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, ông Nguyễn Hồng Nam, nói: “Tổng công ty có nhiều đất đai và nhiều cửa hàng bán lẻ nằm rải rác. Khi bị yêu cầu di dời cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố, chúng tôi phải tự chọn địa điểm phù hợp và tự chuyển nhượng phần đất trong thành phố để làm vốn. Chúng tôi rất khó khăn về vốn, cũng như chuyện giải phóng mặt bằng ở nơi mới”. Và ông cảnh báo: “Vốn của DNNN cũng là vốn nhà nước”.
Thực tế, số tiền mà Tổng công ty Lương thực miền Nam thu được từ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không hề nhỏ. Bộ Tài chính cho biết, tổng công ty này đã thu được hơn 727 tỉ đồng, tất cả được sử dụng để đầu tư hệ thống kho chứa và cơ sở sản xuất.
Nhiều DNNN khác cũng đã được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thu được 1.809 tỉ đồng từ bán và chuyển nhượng mục đích sử dụng ba cơ sở trên địa bàn TPHCM. Số tiền này được sử dụng để di dời toàn bộ nhà máy sản xuất thuốc lá gây ô nhiễm trong nội thành ra khu công nghiệp. Tập đoàn Dệt may Việt Nam sử dụng 259,6 tỉ đồng thu được từ bán nhà đất, để di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp và phát triển hệ thống siêu thị dệt may tại các tỉnh phía Nam.
Báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất. Trong số đó, 9 triệu mét vuông đã được “sắp xếp lại” với những con số kèm theo khá mơ hồ là có 100.000 mét vuông được chuyển nhượng, 300.000 mét vuông bị thu hồi, 300.000 mét vuông di dời do ô nhiễm môi trường và 1,3 triệu mét vuông được chuyển mục đích sử dụng.
Như vậy, một số lượng lớn đất đai của các tập đoàn, tổng công ty lại không hề được nhắc đến đã được sử dụng thế nào, làm việc gì, ai sử dụng... sau khi được “sắp xếp lại”. Bộ này cũng cho biết, số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất như trên là hơn 15.000 tỉ đồng. Số tiền trên có vẻ quá ít so với tổng số 9 triệu mét vuông đã được “sắp xếp lại”? Cho dù những số liệu được nêu rõ ràng là không đủ thuyết phục về tính hiệu quả và sự minh bạch trong việc chuyển đổi đất đai ở các DNNN, song bộ này vẫn nhận xét, tác động về khai thác nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty là “rất tích cực”.
Chưa có khung pháp lý, Vinashin vẫn được ưu ái
Trong đề án xử lý đất dôi dư ở các DNNN, Bộ Tài chính đề cập đến ba phương án cơ bản. Thứ nhất, các DNNN được phép bán, chuyển nhượng quỹ nhà, đất dôi dư để tạo vốn tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Thứ hai, quỹ nhà, đất được phép chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện sẽ được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng theo giá thị trường. Thứ ba, quỹ nhà, đất dôi dư mà doanh nghiệp không có phương án sử dụng sẽ bị thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao cho địa phương để phục vụ cho lợi ích công cộng theo quy hoạch.
Tuy nhiên, trước khi được Chính phủ thông qua và ban hành khung pháp lý để triển khai, thì tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được bật đèn xanh để đi trước. Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Phạm Đình Cường cho biết, Chính phủ đã cho phép Vinashin chuyển nhượng và cho thuê quỹ đất chưa sử dụng, và chỉ được dùng số tiền thu được để đầu tư, kinh doanh chứ không được dùng để trả nợ. Theo cục này, Vinashin đang nắm giữ diện tích đất lên tới 2.400 héc ta, trong đó có 1.200 héc ta chưa sử dụng. Như vậy, có thể thấy số tiền mà Vinashin có thể thu được từ chuyển nhượng số đất đai chưa sử dụng là cực kỳ lớn.
Nhưng từ đây cũng có thể đặt ra câu hỏi: Vì sao Vinashin có quyền bán số đất đai khổng lồ này, thay vì buộc phải trả lại Nhà nước khi không sử dụng đến, như đã quy định trong Luật Đầu tư? Bộ Tài chính lý giải, do Vinashin “vẫn cố thủ” lượng đất đai này dù đang thiếu vốn để tái cơ cấu và để phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện chưa có thông tin cụ thể về những dự án mà Vinashin dự kiến đem bán. Nhưng không như những tập đoàn khác, dù mới phát triển gần đây nhưng Vinashin lại có rất nhiều đất đai, trong số đó đa phần là khu công nghiệp như khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu ở Hải Dương; khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn ở Thanh Hóa; khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp ở Tiền Giang; khu công nghiệp cảng biển Hải Hà ở Quảng Ninh, cảng Vinashin Đình Vũ ở Hải Phòng, khu công nghiệp và Nhà máy Đóng tàu ở Hậu Giang…
Số liệu chi tiết về 1.200 héc ta đất mà Vinashin có thể chuyển nhượng đến nay chưa được công bố. Tuy nhiên, việc tập đoàn này được phép bán và chuyển nhượng đất đai sẽ làm phát sinh hàng loạt câu hỏi về tính pháp lý. Vinashin được phép bán đất dôi dư, thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ như thế nào? Các doanh nghiệp này có được phép bán đi số đất đai đã có được hay không? Chính quyền địa phương cấp đất cho Vinashin để tập đoàn phát triển sản xuất tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm gì khi số đất này lại được bán đi? Vì sao 1.200 héc ta đất đai của Vinashin chưa sử dụng đến lại không bị thu hồi, theo quy định trong Luật Đầu tư?...
Đề án của Bộ Tài chính, rõ ràng, muốn giải quyết tình trạng các DNNN có đất đai dôi dư, lãng phí trong khi các thành phần kinh tế khác lại rất thiếu đất để sản xuất kinh doanh. Song, liệu nó có mở đường cho một đợt chuyển đổi đất đai ồ ạt từ khu vực DNNN mà cuối cùng thì cả Nhà nước và người dân đều không được hưởng lợi?