Cân bằng giữa yêu cầu chống đô la hóa và huy động nguồn lực cho nền kinh tế là bài toán khó đối với NHNN.
Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, bài toán gửi tiết kiệm VND vẫn hiệu quả hơn
Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói: “Thủ tướng nhắc đi nhắc lại ba lần rằng, NHNN cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD đang nằm trong dân.
Làm sao huy động nguồn lực này để góp sức cho đầu tư, trong khi lãi suất huy động USD là 0%/năm? NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát, cần phải huy động được nguồn lực trên, nhất là khi chúng ta vẫn đang phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%/năm”.
Trong bối cảnh này, trước đề xuất tăng lãi suất USD để huy động nguồn ngoại tệ, lựa chọn của NHNN là không dễ dàng.
Khó có thay đổi lớn
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định, lượng ngoại tệ và vàng thực tế mà người dân đang nắm giữ là rất lớn, đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Tuy nhiên, trong vài năm qua, nỗ lực của NHNN trong việc kiểm soát đô la hóa đã tương đối thành công. Nếu bắt đầu quay lại khuyến khích huy động vàng và ngoại tệ sẽ có những tác động nhất định đến thị trường. Đây là điều NHNN chắc chắn phải cân nhắc”, vị giám đốc trên nói.
Cùng chung quan điểm, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định: “Cân bằng giữa yêu cầu chống đô la hóa và huy động nguồn lực cho nền kinh tế là bài toán khó đối với NHNN”.
Ông Hải phân tích, NHNN đưa lãi suất huy động ngoại tệ về bằng 0%/năm để tránh tâm lý đầu cơ ngoại tệ. Thực tế đã cho thấy tính hiệu quả của quyết định này, khi việc chuyển dịch gửi tiết kiệm từ VND sang USD không còn là xu hướng của thị trường. Nhu cầu găm giữ ngoại tệ cũng không bị tác động mạnh như các năm trước đây, thể hiện qua việc tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã giảm.
“Tôi cho rằng, vẫn phải tiếp tục hạn chế cho vay ngoại tệ, trừ trường hợp doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để tránh gây bất ổn cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút tiền gửi trên cơ sở trả lãi suất cho người dân theo giá thị trường cũng là điều bình thường”, ông Hải nói.
Đồng quan điểm này, tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận: “Thực tế, các ngân hàng đã và đang có những biện pháp kỹ thuật khác nhau để thu hút ngoại tệ trong dân. Điều này có nghĩa, việc nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên không hẳn sẽ tạo ra thay đổi lớn trong việc huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng”.
Ông Hải cho rằng, dù nâng lãi suất huy động USD cũng không thể quá mặt bằng chung của thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá ổn định, bài toán gửi tiết kiệm VND vẫn hiệu quả hơn.
“Tôi không kỳ vọng nhiều việc nâng lãi suất tiền gửi USD tạo ra lực hút lớn về ngoại tệ. Thực tế, một bộ phận người dân vẫn tự giữ ngoại tệ, nhưng đa phần đã đưa vào hệ thống ngân hàng để có sự an tâm hơn”, ông Hải nói.
Hậu quả khó lường
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, NHNN luôn theo dõi sát sao, chặt chẽ các biến động trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế, sẵn sàng có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường này nếu có những biến động mạnh.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này thừa nhận, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới, trong khi lãi suất huy động USD tại Việt Nam vẫn ở mức 0%/năm sẽ tạo nên chênh lệch lớn và xét về góc độ vĩ mô, dòng vốn sẽ không ở Việt Nam mà chảy ra nước ngoài.
Đề cập đến việc liệu NHNN có tăng lãi suất huy động USD từ nay đến cuối năm hay không, vị lãnh đạo này cho biết: “Đây là vấn đề khá nhạy cảm, NHNN đang cân nhắc, tính toán. Nếu Fed tăng lãi suất 1 hay 2 lần nữa trong thời gian tới, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất huy động USD từ người dân nhưng chỉ xoay quanh mức 0,25%/năm đến tối đa 0,5%/năm”.
Một trong những băn khoăn của cơ quan này là khi thu hút được lượng lớn USD trong dân, liệu tình trạng đô la hóa như trước đây có quay trở lại? Điều này sẽ làm xói mòn những công sức bấy lâu trong việc chống đô la hóa ở cả hoạt động huy động và cho vay. Nếu tình trạng này tái diễn, hậu quả sẽ khó giải quyết hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.
Chia sẻ với những cân nhắc của NHNN, ông Hải cho biết: “Bên cạnh việc dùng hệ thống ngân hàng là bên cung ứng vốn chính cho nền kinh tế, là bệ đỡ chính cho toàn bộ cầu của nền kinh tế, vẫn cần phải phát triển song hành các thị trường vốn khác thì nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững. Nếu chúng ta chỉ tính bài toán ngắn hạn thì mỗi năm lại sẽ phải giải quyết một vấn đề đau đầu”.
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.