18/11/2014 7:58 AM
Các chuyên gia, luật sư cho rằng người dân có thể khởi kiện chủ đầu tư dự án nâng đường nếu chứng minh được thiệt hại do nâng đường gây ra.

Nhà dân biến thành hầm sau khi đường được nâng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hầu hết đường làm không đúng cốt nền

Khi được hỏi về trách nhiệm của nhà nước khi nâng đường gây thiệt hại cho người dân, một lãnh đạo Sở QH-KT TP.HCM cho rằng hiện hầu hết tuyến đường ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM xây dựng mới đều không làm đúng theo cốt nền chuẩn quốc gia là 2.0, bởi thiếu… tiền. Nếu muốn làm đường bằng cốt nền chuẩn sẽ tốn rất nhiều tiền, trong khi nguồn kinh phí xây dựng hạ tầng rất eo hẹp. Những con đường này đều trải lớp nhựa tạm khoảng 8 cm. Khi nào có điều kiện sẽ nâng đường tiếp. Không những thế, khi đi tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng hạ tầng cũng chưa có một con đường nào được cơ quan chức năng thẩm định xem tuyến đường đó xây dựng đúng cốt nền 2.0 hay chưa, mà chỉ nghiệm thu có xây dựng đúng thiết kế kỹ thuật hay không. Vị này cho biết, chỉ có một số tuyến đường xây dựng gần đây như đại lộ Đông Tây, Phạm Văn Đồng… là đúng chuẩn cốt nền quốc gia. Ngay con đường mới xây dựng như Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, H.Nhà Bè) cũng xây dựng dưới cốt nền và đang phải tiến hành nâng đường vì ngập quá nặng.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, quy định dẫn cốt nền chuẩn quốc gia 2.0 đang giao cho các quận, huyện nhưng có một thực tế là quản lý đô thị các quận, huyện không có đủ người và đủ trình độ để có thể hiểu và quản được cốt nền này. Vì thế, việc cắm mốc cốt nền, cấp phép xây dựng theo cốt nền chỉ là hình thức. Điều này dẫn đến tình trạng trên cùng một con đường nhưng có nhà xây nền cao, nhà xây nền thấp, cán bộ đô thị địa phương không quản lý được. Ông này cho rằng, cần giao Sở TN-MT đứng ra chủ trì cắm mốc cốt nền ở các tuyến đường, các giao lộ và đầu các con hẻm. “Có như vậy, việc xây dựng đường, nhà của dân mới có thể chuẩn theo một cốt nền nhất định. Tránh tình trạng đường mới làm đã phải nâng khiến nhà dân hai bên đường trở thành hầm”, vị lãnh đạo nói.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên

Theo KTS Lê Công Sĩ, nếu đơn vị thi công nâng đường sai thiết kế được duyệt, sai quy trình, thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với những thiệt hại do công việc của họ gây ra. Trường hợp đơn vị thi công làm đúng thiết kế được duyệt nhưng vẫn gây thiệt hại cho dân thì trách nhiệm chính là đơn vị đầu tư phê duyệt dự án nâng đường, đơn vị thi công chịu trách nhiệm liên đới. Lâu nay người dân chỉ đòi nhà nước phải chịu trách nhiệm khi nâng đường ngập nhà và gây thiệt hại trong sinh hoạt, đi lại, nhưng rất ít đề cập trách nhiệm đơn vị thi công.

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng một khi người dân tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình xây dựng nhà, trong đó có việc tuân thủ cốt nền, nhưng cơ quan đại diện nhà nước (chủ đầu tư, ban quản lý, Sở GTVT) khi nâng đường lại thực hiện sai quy định về cốt nền, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của dân thì dân nên khởi kiện chủ đầu tư. Nếu công trình nâng đường sai về thiết kế, sai về thi công thì chủ đầu tư nên kiện đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công. Theo ông Nghiêm, không ai khác, chủ đầu tư là pháp nhân đầu tiên phải chịu trách nhiệm ngay từ khi sử dụng nguồn vốn (thường là từ tiền thuế do dân đóng góp). Trước khi thực hiện công trình nâng đường, chủ đầu tư phải mời đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, thi công làm việc, bàn giải pháp để không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến quyền lợi người dân cư ngụ xung quanh công trình. “Việc người dân kiện thắng chủ đầu tư cũng đã có tiền lệ, như vụ một hộ dân thắng kiện Sở GTVT trong vụ “lô cốt” dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM án ngữ trước nhà gây thiệt hại về kinh doanh của hộ dân", ông Nghiêm nói.

KTS Lê Công Sĩ cũng cho rằng, xưa nay chúng ta hay có tâm lý là người dân luôn “sợ” nhà nước, đặc biệt trước những công trình phục vụ lợi ích cộng đồng được nhà nước đầu tư, người dân càng trở nên e dè, thậm chí không có khái niệm về việc đòi bồi thường nếu những công trình ấy ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tuy nhiên, dù công trình mang danh nghĩa gì thì người dân và nhà nước hoàn toàn bình đẳng, sòng phẳng với nhau, ngoại trừ những công trình đặc biệt phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể và nên kiện nếu việc nâng đường gây ngập nhà và hư hại tài sản của họ. “Kiện để đơn vị thi công ý thức hơn về trách nhiệm của mình; kiện để những cá nhân đại diện nhà chức trách nghiêm cẩn và có trách nhiệm hơn trước những quyết định của mình ảnh hưởng đến dân sinh”, ông Sĩ nói.

Đình Mười - Đình Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.