25/07/2022 6:12 PM
Nhà ở là nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng việc thiếu nhà ở giá rẻ để mua hoặc thuê đang khiến khủng hoảng nhà ở toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2025, khoảng 1,6 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhà ở. Quỹ Tiến tệ Quốc tế cho biết, chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập tại hầu hết các quốc gia.

Theo một nghiên cứu tại 200 thành phố trên toàn cầu, 90% người được hỏi không đủ khả năng chi trả cho nhà ở, với giá nhà trung bình cao hơn gấp ba lần thu nhập.

Theo một nghiên cứu của công ty tài chính Moody’s Analytics, Hoa Kỳ đang thiếu 1,5 triệu ngôi nhà. Lượng nhà để bán hoặc cho thuê tại quốc gia này đang ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Điều gì đã gây ra khủng hoảng nhà ở?

Theo nghiên cứu của Moody’s, tình trạng thiếu quỹ đất, vay nợ, nhân công xây dựng và nguyên vật liệu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu nhà ở tại Mỹ. Chi phí tăng và lợi nhuận giảm khiến các doanh nghiệp ngần ngại trong việc phát triển nhà ở, đặc biệt là phân khúc giá rẻ và bình dân.

Covid-19 được coi là nguyên nhân khiến khủng hoảng nhà ở trầm trọng hơn, do người mua và người thuê cần thêm không gian trong thời kỳ phong tỏa. Lãi suất thấp trong lịch sử ở nhiều quốc gia khiến cho việc vay mua nhà trở nên dễ dàng cũng đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng này.

Cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu gây ra tác động gì?

Theo nghiên cứu từ công ty dịch vụ tài chính JP Morgan, giá nhà trên toàn cầu đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua vì chênh lệch cán cân cung - cầu.

Giá thuê nhà cũng tăng vọt. Tại châu Âu, giá thuê mọi loại hình và phân khúc nhà ở đã tăng 14,5% trong ba tháng đầu năm nay.

Ở châu Á, nơi có một số thị trường nhà ở đắt đỏ nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, những người đi thuê nhà phải dành hơn một nửa thu nhập cho chi phí nhà ở. Khoảng 11 triệu người Mỹ cũng ở trong tình cảnh tương tự.

Chi phí nhà ở tăng cao đang ảnh hưởng đến người dân như thế nào?

Chi phí nhà ở tăng có nghĩa là mọi người có ít tiền hơn để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu khác, như mua sắm thực phẩm, hóa đơn điện nước, đi lại và chăm sóc gia đình.

Không đủ khả năng chi trả cho nhà ở cũng làm tăng tình trạng vô gia cư. Ước tính có khoảng 100 triệu người trên toàn cầu đang không có nhà, theo Chương trình Định Cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat). Một phần tư trong số này đang sống trong những điều kiện có hại cho sức khỏe và không an toàn.

Chỉ số giá nhà trên thu nhập tại một số quốc gia trên thế giới

Theo Nhà Trắng, chi phí nhà ở tăng cao cũng thúc đẩy lạm phát - gồm giá hàng hóa và dịch vụ - và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thiếu nhà ở giá rẻ buộc những người lao động có thu nhập thấp phải sống xa nơi làm việc, “khiến họ phải đi lại lâu và tốn kém chi phí hơn, đồng thời làm giảm năng suất lao động”, Moody’s Analytics cho biết.

Các chính phủ đang giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở như thế nào?

Theo UN-Habitat, mỗi ngày thế giới cần xây thêm 96.000 ngôi nhà giá rẻ mới để 3 tỷ người được tiếp cận với nhà ở vào năm 2030. Tổ chức này đã hỗ trợ 43 quốc gia cải thiện chính sách nhà ở thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm quy hoạch đô thị. Các quốc gia đang phải đối mặt với dòng người di cư và tị nạn khổng lồ, bao gồm Cameroon, Ai Cập và Jordan, nằm trong số những nước được hưởng lợi.

Trong khi đó, Nhật Bản đã rất thành công trong việc cung cấp nhà ở giá cả phải chăng, ngay cả ở các thành phố lớn. Luật quy hoạch đơn giản và thuế tài sản phù hợp là những công cụ để chính phủ khuyến khích phát triển nhà ở theo nhu cầu và ngăn chặn đầu cơ.

Tại Mỹ, chính phủ cam kết chấm dứt tình trạng thiếu hụt nhà ở trong 5 năm tới. Các kế hoạch bao gồm nới lỏng các luật và quy định sử dụng đất đang làm hạn chế mật độ nhà ở tại các tiểu bang và địa phương, hay ưu đãi vay vốn để xây nhà mới.

Tại Scotland, chính phủ có kế hoạch tăng nguồn cung nhà vào năm 2040 thông qua các chính sách và cơ chế tài trợ để xây nhà giá rẻ.

Ở Ấn Độ, chính phủ đã phê duyệt việc sử dụng các tấm tiền chế làm từ phế liệu để xây dựng nhà với chi phí thấp hơn.

Trong khi đó, châu Phi, Mexico, Ấn Độ, châu Âu và nhiều khu vực khác đang áp dụng công nghệ in 3D trong việc xây dựng nhà. In 3D có thể tạo ra những ngôi nhà chất lượng cao nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với xây dựng truyền thống.

Lam Vy (WEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.