23/02/2021 7:54 AM
CafeLand - Chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực mang tính bước ngoặc trong năm 2021, liệu đây là một vận hội mới? Với những niềm tin lạc quan, thị trường đầu năm đã bùng nổ với số lượng lớn nhất lịch sử nhà đầu tư mới gia nhập.

Bùng nổ trong 2 tháng đầu năm

Công bố mới nhất của Trung tâm Lưu ký cho thấy tháng 1/2021 đã có thêm hơn 86.000 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư trong nước được mở mới, tăng 36,4% so với tháng 12/2020. Đây là số tài khoản mở mới trong một tháng cao nhất lịch sử hoạt động hơn 20 năm của Thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kỷ lục ghi nhận gần nhất là hơn 63.000 tài khoản cá nhân trong nước mở mới hồi tháng 12 năm ngoái. Trước đó, con số hơn 40.500 tài khoản cá nhân hồi tháng 4/2018 được xem là kỷ lục chưa từng thấy.

Theo thống kê, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới năm 2020 đạt kỷ lục, gần 394.000 tài khoản, tăng 109% so với năm 2019, trong khi khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7%.

Số lượng nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường tăng nhanh đã thúc đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục, tổng giá trị thanh toán tính riêng thị trường chứng khoán cơ sở đạt 4,2 triệu tỷ đồng.

Đầu năm 2021 cũng chứng kiến các quỹ ETF nội và nhóm cổ phiếu bất động sản hút mạnh các nhà đầu tư ngoại. Khối ngoại đã bán ròng hơn 2.500 tỉ tính từ đầu năm đến nay.

Các quỹ ETF nội và nhóm bất động sản vẫn chính là nơi hút ròng của các nhà đầu tư ngoại. Trong năm 2021, khối ngoại đã mua ròng hơn 3.000 tỉ nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó NVL, VIC, KBC, VHM, VRE là top 5 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất.

Ngay ngày đầu năm Tân Sửu, thị trường đã rực rỡ với việc VN-Index tăng hơn 40 điểm, tương ứng 3,6%. Sắc xanh lan tỏa trên bảng giá điện tử. Toàn sàn có 425 mã tăng, 43 mã giảm và 28 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường đạt hơn 700 triệu đơn vị với tổng trị giá 16.080 tỷ đồng. Trong đó nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng hơn 700 tỷ đồng.

Các cổ phiếu như PVS, VRE, GAS, VPB, GVR hay PVD đều kết thúc phiên giao dịch 17/2 ở mức giá trần. TCB tăng đến 6,7%, KDC tăng 6,7%, MWG tăng 6,6%, HDB tăng 5,4%, SSI tăng 5,7%, PLX tăng 5,1%, FPT tăng 4,4%. Như vậy, tính gộp cả 2 phiên (cuối năm Canh Tý và đầu năm Tân Sửu), VN-Index có thêm 72,6 điểm, tăng 6,7% so với trước đó.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới. Chỉ số VN-Index hiện đã vượt trên 1.170 điểm (ghi nhận ngày 22/2), tăng mạnh gần 70% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020. VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm vượt mức 1.200 điểm.

Năm của vận hội mới?

Năm 2021 hứa hẹn có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Rất nhiều luật mới, sửa đổi sẽ có hiệu lực từ năm 2021, cụ thể như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường…

Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực trong năm 2021, là văn bản pháp lý cao nhất kiện toàn các thành phần điều hành thị trường, cơ sở cho ra đời các sản phẩm mới hỗ trợ các nhà đầu tư.

Một dấu mốc quan trọng là kể từ ngày 20/2/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) sẽ chính thức được thành lập với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Điều này làm quy mô thị trường chứng khoán thống nhất với số vốn hóa lớn, dần hình thành một trung tâm thanh toán bù trừ độc lập, tiến tới đạt các tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định: “Năm 2021 được đánh giá là năm mang những dấu ấn quan trọng với sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực cũng sẽ tạo nền tảng pháp lý mới nâng tầm thị trường”.

Với những thay đổi về Luật, dòng vốn nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ vào năm 2021. Cùng với đó là tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM.

Thông tin vắc-xin phòng dịch Covid-19 sẽ được nhập khẩu về trong tháng 2 và đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á, đặc biệt là thông tin về kế hoạch kinh doanh mới của các doanh nghiệp niêm yết cũng là động lực lớn cho sự hưng phấn cho thị trường trong trung và dài hạn.

Cùng với đó, kể từ tháng 8/2020, Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do như CP.TPP, EVFTA hay RCEP. Tăng trưởng đầu tư công cũng đạt mức kỷ lục, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất tác động lên chỉ số VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. 2 lĩnh vực này đều được cho là vẫn đang hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào.

Dự báo trong năm 2021, ngành vật liệu xây dựng, bất động sản và ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu là những lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất.

Nhiều chuyên gia đều đánh giá cao ngành vật liệu xây dựng, do được hưởng lợi từ xu hướng gia tăng đầu tư công của Chính phủ trong năm 2021.

Ngành bất động sản (gồm khu công nghiệp và nhà ở) cũng được đặt nhiều triển vọng tích cực do hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp, các điểm nghẽn về pháp lý làm ảnh hưởng đến nguồn cung sẽ được tháo gỡ trong năm 2021, làn sóng dịch chuyển FDI mạnh mẽ hơn trong năm 2021.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán năm 2021, nhiều rủi ro, thách thức vẫn tồn tại. Diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất khó lường và có tác động lớn đến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế; xu thế bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới; Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "thao túng tiền tệ", rủi ro lạm phát có thể quay trở lại do nguồn cung bị thắt chặt trong bối cảnh đại dịch.

Chính sách nới lỏng tài khóa được coi là một công cụ chính sách hiệu quả trên thế giới, có thể đi kèm với khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặc biệt nếu Việt Nam không đủ khả năng xử lý gánh nặng nợ công tăng cao.

  • Nền tảng giúp chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững

    Nền tảng giúp chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững

    Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong bối cảnh cả thế giới đối mặt cùng một lúc với khủng hoảng y tế, suy thoái kinh tế và tình hình căng thẳng hơn về địa chính trị, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng đã trải qua một năm thăng trầm.

Nhã Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.