Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ông đánh giá như thế nào về TTCK Việt Nam trong năm 2020?
Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TTCK Việt Nam và thế giới đã trải qua một năm thăng trầm. Chỉ trong vòng 1 tuần từ 9/3-16/3 TTCK Mỹ đã phải 3 lần kích hoạt cơ chế tạm ngừng giao dịch, trong ngày 12/3 có đến 10 quốc gia ngoài Mỹ kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch và đặc biệt, ngày 17/3/2020, Philippines đã quyết định tạm ngừng TTCK để đối phó với dịch bệnh.
Với TTCK Việt Nam, kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index đã mất 33% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, TTCK Việt Nam được duy trì hoạt động liên tục, các CTCK đã tận dụng tối đa giao dịch từ xa và sẵn sàng cho hệ thống giao dịch chứng khoán kể cả trong trường hợp Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn bị phong tỏa trên diện rộng. Kết quả là TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng còn lại của năm 2020 với chỉ số VN-Index tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, số lượng NĐT mới tham gia TTCK cao kỷ lục. Theo đó, số tài khoản NĐT trong nước mở mới năm 2020 đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản. Sự tham gia mạnh mẽ của NĐT đã đẩy thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, đạt 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.
TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý NĐT. Trong năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với cuối năm 2019. Tính tại thời điểm cuối năm 2020, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý nữa là từ đầu tháng 12/2020, TTCK Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI. Việc TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bám theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index...
Cũng trong năm 2020, chúng ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm lớn là hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK. Theo đó, toàn bộ 3 Nghị định và 11 Thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán 54/2019/QH14 đã được ban hành và đảm bảo Luật Chứng khoán hiệu lực đồng bộ kể từ ngày 1/1/2021.
Theo ông, yếu tố nào giữ cho thị trường tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm mạnh?
Đầu tiên, phải kể đến đó là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được phục hồi nhanh chóng. Tăng trưởng cả năm đạt 2,91% thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát, tỷ giá và lãi suất được kiểm soát trong vùng mục tiêu, được IMF, WB, ADB và các NĐT quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt các dự án quy mô lớn, trọng điểm có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung và phát triển các DN nói riêng. Kết quả là kinh doanh của các DN niêm yết trong năm có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét. Một số công ty trong lĩnh vực hàng không, du lịch gặp khó khăn nhưng nếu tính tổng thể, vẫn có 84% DNNY làm ăn có lãi, cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế khác.
Một yếu tố khác là trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong dân được cải thiện, dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào TTCK gia tăng, góp phần cải thiện sức mua trên TTCK. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều TTCK lớn trên thế giới.
Ngoài ra, phía cơ quan quản lý TTCK cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN… Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành chính sách giảm 50% đối với 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán. UBCKNN cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như: cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN mua cổ phiếu quỹ; hướng dẫn các DN tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến; chỉ đạo 02 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) xây dựng các kịch bản điều hành TTCK trong mọi tình huống. Về cơ bản các giải pháp đã có tác dụng hỗ trợ thị trường, trấn an tâm lý cộng đồng DN và NĐT.
Sự tham gia của nhiều NĐT mới là động lực cho thị trường trong năm qua
Vậy những dấu ấn nào sẽ tác động đến TTCK và có thể mang đến kỳ vọng giúp thị trường duy trì sự tăng trưởng trong năm 2021, thưa ông?
Năm 2021, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có được cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như WB, ADB... đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,7-6,8%. Đây là điều kiện quan trọng nhất để DN vượt khó và phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, đây là những yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK Việt Nam giữ được đà phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo tôi, năm 2021 sẽ có 5 dấu ấn tích cực sẽ tác động đến TTCK chắc chắn xảy ra. Thứ nhất, thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 tới đây sẽ là yếu tố đặt nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. TTCK nhờ đó sẽ được hưởng lợi từ chính sách của Đảng và Chính phủ được ban hành ngay sau đó.
Thứ hai, dấu ấn của TTCK Việt Nam qua 20 năm hoạt động và chiến lược phát triển trong thời gian tới sẽ được hoạch định thông qua Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030.
Thứ ba, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 và các văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực từ 2021.
Thứ tư, SGDCK Việt Nam được hình thành và bắt đầu sự chuẩn bị cho kế hoạch phân định lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn: SGDCK TP. Hồ Chí Minh tập trung cho giao dịch cổ phiếu, chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ quỹ; SGDCK Hà Nội tập trung cho giao dịch: trái phiếu và phái sinh.
Thứ năm, hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ sớm vận hành tại SGDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam giúp hiện đại hóa hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường; đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới.
Tất cả những dấu ấn của 2021 sẽ tạo nền tảng và cũng là niềm tin, cùng với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam thì TTCK Việt Nam sẽ phát triển bền vững trong năm 2021.
Xin cảm ơn ông!
-
Người thắng đậm, kẻ thua đau trên sàn chứng khoán
Nhà đầu tư nào giữ lâu cổ phiếu trong năm 2020 đã thu lãi lớn trong khi những nhà đầu tư mua vào cuối năm và bán ra đầu 2021- đúng lúc thị trường giảm sâu - thì lỗ nặng
-
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thu hút thêm hàng tỷ USD
Đại diện Morgan Stanley cho rằng việc chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể thu hút 2,8 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động cùng 4-6 tỷ USD vốn chủ động.
-
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra công văn hỏa tốc về việc vận hành hệ thống giao dịch KRX
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 25/4 đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX.
-
Chứng khoán giảm mạnh
Thị trường bị nhuộm đỏ ngay đầu phiên và VN-Index đi dưới tham chiếu cả ngày, sau đó đóng cửa giảm hơn 13 điểm, dù vẫn có một số mã ngược dòng như NVL, HVN.