Bên trong một khách sạn 4 sao mới mở cửa vào năm 2015 tại TPHCM. Ngoài những tiện ích về phòng nghỉ, nhà hàng, dịch vụ cho hội họp, khách sạn này còn có cả rạp chiếu phim - Ảnh: Đào Loan
Năm 2015 là năm ngành du lịch có thêm nhiều khách sạn cao cấp, đặc biệt là các khách sạn của những nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh... nhưng tổng số phòng của phân khúc này vẫn còn ít. Tổng số phòng khách sạn loại từ 3-5 sao vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong hệ thống cơ sở lưu trú với 82.328 phòng.
Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với TBKTSG Online mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết mảng khách sạn đang thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn và sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về chất lượng của hệ thống khách sạn trong thời gian tới. Cả nước đang có nhiều điểm nóng về đầu tư khách sạn, trong đó Phú Quốc hiện đang là một đại công trường với hàng loạt dự án có quy mô lớn.
Để tháo gỡ một số khó khăn cho các nhà đầu tư vào hệ thống khách sạn, Tổng cục Du lịch cũng đã trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ chính sách giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất cho không gian, cảnh quan.
Đây là vấn đề mà doanh nghiệp than phiền từ nhiều năm nay và cho rằng không hợp lý, vì nhà nước tính tiền thuê đất dùng để trồng cây xanh, tạo cảnh quan trong khu du lịch ngang bằng với đất xây dựng, kinh doanh. Trong khi đó, ở nhiều khu du lịch, phần đất tạo cảnh quan chiếm 50%, thậm chí cao hơn, trong tổng diện tích nên số tiền mà doanh nghiệp phải đóng cho khoản này rất lớn.
Vào năm ngoái, ngành du lịch đón hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế và 57 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 337.830 tỉ đồng.