Năm 2012 đến, kinh tế vĩ mô ổn định trở lại tạo đà cho TTCK khởi sắc, kênh dẫn vốn cho DN và nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng trở lại.
Từ kết quả nghèo nàn

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam dự kiến tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, Vinaconex dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng… Mở lại nghị quyết ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp lớn trên TTCK thì thấy phần việc quan trọng nhất mà DN đề ra cho năm 2011 là tăng vốn đã không thành công.


Thành tích èo uột của TTCK, trong đó nhiều cổ phiếu rớt xuống dưới mệnh giá là bước cản lớn nhất cho kế hoạch tăng vốn của các DN. Có NĐT nào lại đồng ý mua cổ phần với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá trên sàn dưới 10.000 đồng hoặc trên mức đó 1.000 - 2.000 đồng, nhất là khi 3 - 4 tháng sau cổ phiếu mới được niêm yết bổ sung và có thể giao dịch?


Nhiều NĐT sợ tăng vốn và châm biếm gọi đây là hình thức "bán giấy lấy tiền" khi không ít doanh nghiệp sử dụng vốn huy động không hiệu quả, thậm chí mất vốn. Tháng 6/2011, UBCK tổ chức một đợt kiểm tra tình hình sử dụng vốn của các DN niêm yết, đã có những sai phạm bị phát hiện, như tiến độ sử dụng vốn không đúng như công bố với cổ đông, huy động vốn sử dụng cho dự án A nhưng lại dùng cho mục đích khác. Thậm chí, có doanh nghiệp không còn đủ tiền để làm dự án, trong khi bước khởi đầu của dự án vẫn chưa qua.


Đơn cử, Công ty Hanic Hà Nội tăng vốn từ 83 tỷ đồng lên hơn 300 tỷ đồng, với công bố vốn huy động được sử dụng cho Dự án Thanh Hà Cienco. Công ty đã rót hơn 200 tỷ đồng trên dự toán 1.000 tỷ đồng cho dự án vào túi đối tác mà không có sự thẩm tra kỹ càng. Giờ đối tác mất khả năng thanh toán, có những dấu hiệu bị cơ quan điều tra kết luận là lừa đảo, dự án không có trong tay, giờ Công ty chỉ biết tập trung đòi nợ.


Khi tiền đã vào túi doanh nghiệp, đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương khó kiểm soát như bắc thang lên trời! Tình trạng lạm dụng phát hành tràn lan trong những năm trước gây ra loãng giá cổ phiếu, đồng vốn không sinh lời khiến nhiều NĐT mất niềm tin. Đã qua rồi quan niệm cứ mua được cổ phiếu bằng mệnh giá là thắng, hiện có xấp xỉ 2/3 mã cổ phiếu xuống dưới mệnh giá. Đó là chưa kể, khi công ty phá sản hoặc bên bờ phá sản, cổ đông là người mất trắng đầu tiên.


Đến siết chặt kỷ cương


Tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ với UBCK mới đây, một thông điệp chỉ đạo đã được đưa ra: năm 2012, UBCK phải quyết liệt và cương quyết lập lại trật tự trong việc quản lý phát hành, hậu kiểm việc sử dụng vốn để hạn chế tối đa những hệ lụy của tình trạng lạm dụng phát hành, lấy lại niềm tin của NĐT.


Thay vì có lãi là DN được phát hành (một đồng cũng là có lãi), dự thảo quy định mới về điều kiện phát hành ra công chúng đã tăng tiêu chuẩn lên ngặt nghèo hơn rất nhiều, trong đó, nhấn mạnh đến tỷ lệ lợi nhuận đạt được trên vốn ít nhất 5%/năm.


Đặc biệt, UBCK sẽ có những đoàn thanh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, từ đó có những chế tài yêu cầu buộc các công ty đại chúng tăng khả năng quản trị rủi ro, coi trọng công tác quản trị rủi ro. Nếu định hướng này được thực hiện một cách nghiêm ngặt, những băn khoăn của công chúng đầu tư về số phận của đồng vốn mình bỏ ra sẽ phần nào được giải tỏa.


Sau trách nhiệm cấp phép, trách nhiệm hậu quản của cơ quan quản lý ở một thị trường tài chính bậc cao cần được quan tâm đúng mức. Khi đó mới có cơ sở để tuýt còi, để bật "đèn đỏ" với những DN có lịch sử sử dụng vốn kém hiệu quả, có dấu hiệu vi phạm cam kết sử dụng vốn.


Kinh nghiệm ở các nền kinh tế khác cho thấy, thị trường vốn dù qua những trồi sụt, đặc biệt ở những thị trường mới nổi sẽ có bước thăng trầm, nhưng cuối cùng vẫn có vai trò quan trọng đặc biệt với những doanh nghiệp muốn có sức dài vai rộng để phát triển. Chức năng huy động vốn của TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy cho các DN hoạt động tốt trong năm 2012.

Theo Anh Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh