Vẫn thiếu niềm tin
Trong năm 2011, các doanh nghiệp bất động sản rất khó tiếp cận nguồn vốn do các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Tuy nhiên, niềm tin, mức độ kỳ vọng của đại đa số những người tham gia thị trường mới là yếu tố có tác động chi phối đến chiều tăng giảm của thị trường bất động sản.
Nếu như trước đây, việc mua bán các dự án bất động sản được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, thì nay hầu hết họ đều quay lưng lại bởi có quá nhiều điều khiến nhà đầu tư phải thất vọng. Trong đó là việc người mua ngán ngẫm cảnh mỏi mòn chờ đợi ngày dự án triển khai, rồi hoàn thành, có dự án “bất động” đến 3 - 4 năm. Bên cạnh đó, tính pháp lý không rõ ràng khiến nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro.
Xét về nguồn cung, cơ cấu hàng hóa bất động sản những năm qua còn nhiều bất cập, cung không bắt được cầu ở một số phân khúc. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư tính phí dịch vụ tại các khu đô thị mới, các chung cư quá cao, góp phần khiến người mua nản lòng.
Mặt khác, sự đóng băng của phân khúc chung cư cao cấp phần nào liên quan đến những bất đồng quan điểm dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ vẫn chưa có tác động tích cực khiến thị trường chìm trong ảm đạm. Tất cả những lý do trên đã làm “xói mòn” niềm tin của người mua và nhà đầu tư vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản.
Trao đổi với CafeLand, ông Ngô Quang Phúc – Giám Đốc KD&TT Công ty Him Lam Land cho rằng, “khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản năm 2012 là yếu tố tâm lý của người mua hàng chờ giá giảm thêm”. Bởi họ nghĩ rằng, giá nhà đất sẽ còn giảm nữa nhưng trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bán hòa vốn hoặc bán lỗ sản phẩm của mình.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Đình Thế Thảo - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh nhận định, “chưa bao giờ người mua nhà lại thuận lợi, dễ dàng và có nhiều cơ hội như hiện nay. Nhưng tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay vẫn tin rằng giá nhà sẽ còn giảm nữa”.
Ngoài yếu tố tâm lý, ông Thảo nhận định thị trường bất động sản hiện nay còn chịu nhiều áp lực về tài chính và chính sách.
Khó khăn của thị trường bất động sản năm 2012 vẫn là yếu tố tâm lý. Ảnh: Minh Nguyệt
Gạn đục khơi trong
Mặc dù những khó khăn của thị trường bất động sản năm 2012 đã được xác định rõ. Song, điều tích cực có được là cơ hội thanh lọc các đối tượng tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư ăn xổi, theo phong trào, không chuyên nghiệp.
Sau áp lực của việc siết chặt tín dụng, cộng với một loạt những bất cập, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh hết sức khó khăn khi sản phẩm không bán được, đến hạn phải trả nợ, lãi suất lại cao,… Nhiều doanh nghiệp đã tự tìm cách tự “cứu mình” bằng cách cắt lỗ, giảm giá mạnh mong “đẩy” được hàng, hoặc chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác, thậm chí phải “rời bỏ” thị trường.
Sự “khắc nghiệt” của thị trường trong tình thế khó đang khiến một số doanh nghiệp bất động sản tính đến chuyện sáp nhập để cùng xây dựng chiến lược đầu tư và kinh doanh hiệu quả hơn.
Trong năm qua, dư luận xôn xao khi Công ty PVPower Land quyết định giảm gần 35% giá bán căn hộ Petro Vietnam Landmark vì gần đến hạn trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, hành động này đã không được đáp trả như mong đợi của chủ đầu tư.
Trái ngược với chủ đầu tư này, vào tháng 11/2011, chủ đầu tư dự án căn hộ Hoàng Anh An Tiến sát quận 7, Tp.HCM đã hạ giá bán nhà từ 18 triệu/m2 xuống còn 14,4 triệu. Chỉ 2 tháng sau quyết định điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư đã bán được hơn 500 căn hộ ngay trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng.
Qua đó, có thể chứng tỏ rằng thị trường vẫn còn nhu cầu, quan trọng là có mức giá phù hợp. Chủ đầu tư cần linh hoạt hơn trong việc quản lí trong thiết kế, xây dựng, mua bán,… như thế nào để có mức giá hợp lí.
“Một căn hộ nhỏ, giá phù hợp với thu nhập của người dân đã được xác định là một lối thoát cho các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2012”, ông Phúc cho hay.
Ngoài ra, để vượt qua thời kỳ khó khăn này, các nhà đầu tư bất động sản cần chủ động thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường theo hướng giảm đi các dự án thiếu hiệu quả, thâu tóm các hạng mục đầu tư.
Theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland) cho rằng, năm 2012 là năm các doanh nghiệp bất động sản đầu tư để tồn tại hơn là mở rộng.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải giải quyết được nhu cầu khơi thông nguồn vốn, giảm áp lực trả nợ bằng cách chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi đầu tư, mua bán, sáp nhập dự án,… sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt.
Mặt khác, các doanh nghiệp nên bắt tay vào việc tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm chi phí, nhân sự, xử lý các dự án đang đình trệ do thiếu vốn.
Các chuyên gia cho rằng, một cuộc “sàng lọc” theo đúng nghĩa đã diễn ra trong năm qua và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012 này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thị trường dưới góc độ tích cực. Thị trường đang lột xác để trở thành một thực thể lành mạnh hơn, hữu ích hơn. Quá trình lột xác này chính là quá trình tái cấu trúc thị trường do các nhà đầu tư thực hiện để đưa thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.