Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2011 đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Một trong những đề tài được quan tâm là xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong năm 2011.
Theo ông, Neil MacGregor, Phó giám đốc Savills Việt Nam, với tình hình Việt Nam hiện nay: lạm phát cao, lãi suất cao đã gây ra những quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài “đang mắc kẹt” nhưng với tầm nhìn dài hạn người ta vẫn cân nhắc để tiến hành những thương vụ M&A trong bất động sản trong vòng 12 tháng tới.
Tại sao lại M&A trong bất động sản?
Từ phía chủ đầu tư – bên chuyển nhượng có thể do khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng; tái cấu trúc lạo danh mục đầu tư; khả năng bị thu hồi giấy phép do dự án bị trì hoãn kéo dài; bán hoặc giảm phần nắm giữ những bất động sản không thuộc hoạt động kinh doanh cốt lõi để huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính của công ty. Ngoài ra, thông qua M&A bên chuyển nhượng có thể tạo thương hiệu bằng cách hợp tác với những chủ đầu tư và nhà đầu tư có tên tuổi…
Trong khi đó bên nhận chuyển nhượng qua M&A có thể tiếp cận các thương vụ khác; thông qua bên bán họ có thể mở rộng sang thị trường mới; từ liên doanh đến mua toàn bộ dự án, các tài sản xấu với giá cả hợp lý. Thêm vào đó, theo thời gian, họ có cơ hội được hưởng lợi từ việc hoàn tất công tác đền bù giải tỏa và/hoặc cơ sở hạ tầng của bên chuyển nhượng – điều này giúp bên mua tham gia vào thị trường nhanh chóng.
Ông Neil MacGregor tin rằng năm 2011 sẽ là năm của M&A trong lĩnh vực bất động sản – bởi năm nay sẽ có thiếu hụt về vốn trên thị trường, khung pháp lý sẽ dần được hoàn thiện – dẫn đến số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn. Ông cũng kỳ vọng sau bầu cử tiến độ cấp phép cho các dự án được đẩy nhanh và một số lượng lớn các thương vụ dự kiến sẽ diễn ra trong một vài năm tới.
Định giá trong các thương vụ M&A bất động sản là một trong rào cản chính yếu. Do đó cần thiết định giá bất động sản thực tế hơn. Câu hỏi đặt ra là phân khúc nào trên thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài? Ông Fraser Wilson, đại diện của quỹ bất động sản Dragon Capital – quỹ thiên về cấp vốn cho các dự án bất động sản chia sẻ: mặc dù mỗi quỹ đầu tư/ hay các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ có những lĩnh vực yêu thích khác biệt nhau, nhưng trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư sẽ nhắm đến các dự án đã được định giá cao trong những năm vừa qua.
Như vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới sẽ tăng hay giảm? Theo quan điểm của ông Fraser Wilson, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam phản ánh qua sự phục hồi của chỉ số Vn-index – điều này được thúc đẩy bởi cả nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài; sự khôi phục mạnh mẽ của nền kinh tế. Ông cũng dự đoán trong 3-9 tháng sẽ có sự trở lại của 2 dòng đầu tư vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản khi lạm phát được kiềm chế và lãi suất hạ nhiệt.