BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao ban đầu gồm 4 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil; sau phát triển lên cấp Hội nghị thượng đỉnh năm 2009, kết nạp Nam Phi từ năm 2010.
Ngày 3/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, ông Than Swe, bày tỏ mong muốn Myanmar gia nhập BRICS, nhấn mạnh vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế của nước này. Ông cho biết Myanmar nằm gần hai thành viên quan trọng của BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ, việc gia nhập khối sẽ giúp đất nước tạo mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên.
Theo ông Than Swe, Myanmar có vị trí địa kinh tế thuận lợi khi nằm ở trung tâm khu vực có hơn 3,2 tỷ dân, bao quanh bởi 5 quốc gia láng giềng: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Lào và Thái Lan. Myanmar cũng sở hữu đường bờ biển dài trên Ấn Độ Dương, giúp quốc gia này trở thành cầu nối trên bộ giữa Nam Á, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông khẳng định Myanmar sẵn sàng nỗ lực để gia nhập BRICS, xem đây là cơ hội cải thiện kinh tế và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ngoài Myanmar, ba quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã được BRICS trao tư cách “quốc gia đối tác” tại hội nghị thượng đỉnh Kazan, Nga vào tháng trước, mở ra cơ hội lớn để các nước này tiến gần hơn tới việc trở thành thành viên chính thức của BRICS trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, hôm 1/12, người phát ngôn Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi, ông Chrispin Phiri, khẳng định BRICS không có kế hoạch tạo ra đồng tiền chung. Ông nhấn mạnh, các cuộc thảo luận nội bộ của khối chỉ tập trung vào việc tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ của mỗi nước thành viên, không phải là "phi USD hóa" hay thay thế đồng USD.
Theo ông Phiri, các quốc gia BRICS mong muốn cải thiện cơ chế thanh toán nội khối, giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc thiết lập một đồng tiền chung không phải là ưu tiên của khối. Ông cũng chỉ ra rằng Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS đã đầu tư 30 tỷ USD vào các dự án hạ tầng tại các quốc gia thành viên, phần lớn vẫn được thực hiện bằng đồng USD.
Thông tin này xuất hiện sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 100% lên các nước BRICS nếu khối này phát triển một đồng tiền thay thế USD.
BRICS đã mở rộng đáng kể trong năm nay với việc kết nạp thêm 6 thành viên mới, gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Argentina và Saudi Arabia.
Những năm gần đây, theo lời mời của các nước Chủ tịch BRICS, Việt Nam đã cử đại diện tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ BRICS mở rộng, như Diễn đàn liên đảng quốc tế BRICS mở rộng và Hội nghị bàn tròn các chính đảng Nga-ASEAN (tháng 6-2024), Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS (tháng 6-2024); Hội nghị BRICS-châu Phi và Hội nghị đối thoại BRICS mở rộng (tháng 8-2023)... Đặc biệt, ngày 23-24/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga.
Việc Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 theo lời mời của nước Chủ tịch BRICS cho thấy sự coi trọng của các quốc gia thành viên BRICS đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
-
Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia tại Hội nghị BRICS mở rộng 2024
Trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng năm 2024 tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia nhằm tăng cường hợp tác song phương, thúc đẩy kim ngạch thương mại và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
-
Tổng thống Nga Putin nói BRICS sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Nhóm BRICS sẽ tạo ra phần lớn tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so với các quốc gia phương Tây phát triển, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào thứ Sáu 18/10.
-
Mỹ sắp đưa 140 công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách hạn chế
Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2022, Washington triển khai các chính sách nhằm kìm hãm tham vọng công nghệ c...
-
Elon Musk hủy bỏ kế hoạch quan trọng của Tesla, “mở đường” cho VinFast?
Elon Musk vừa chính thức xác nhận Tesla sẽ không tiếp tục kế hoạch phát triển dòng xe điện giá rẻ, vốn là một trong những dự án được kỳ vọng lớn của hãng. Quyết định này có thể mở ra một cơ hội lớn cho các hãng xe khác, trong đó có VinFast của Việt N...
-
Tìm được nhà giá phải chăng ở Đức 'như trúng số'
Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng xổ số".