Quy mô thị trường trái phiếu niêm yết bằng nội tệ ở châu Á đã tăng gần 9% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lại cảnh báo việc nguồn vốn từ phương Tây tăng lên khi các ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng có thể gây ra biến động lớn và tạo ra bong bóng tài sản tại đây.
Trong bản báo cáo ngày hôm qua, ADB ở Manila (Philippines) cho biết: "Chính sách lãi suất gần 0% ở các thị trường đã bão hòa và các tín hiệu kích thích kinh tế từ FED đã làm dấy lên nỗi lo về việc các thị trường mới nổi sẽ bị nhấn chìm trong vốn đầu tư". Ngân hàng này nhận định: "Dòng vốn này có thể gây ra biến động lớn về tỷ giá, ảnh hưởng đến thương mại và kìm hãm tăng trưởng tín dụng, từ đó dễ dẫn đến bong bóng tài sản".
ADB cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách ở đây nên chuẩn bị cho khả năng dòng vốn có thể rút khỏi thị trường nhanh như khi chảy vào. Vì nếu việc đó xảy ra, lãi suất trái phiếu sẽ tăng vọt, như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi ấy, lãi suất trái phiếu ở Indonesia đã tăng thêm 9%, còn Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan đều lên 2%.
Ngân hàng này cũng cho biết thị trường châu Á đang yếu đi khi lãi suất trái phiếu của Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đều tăng lên trong tháng 7 và tháng 8.
Cảnh báo từ ADB được đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương toàn cầu thực hiện nhiều biện pháp kích thích mới. Thêm vào đó, báo cáo việc làm của Mỹ tuần trước cũng yếu hơn dự đoán. Việc này có thể thúc đẩy FED sớm thực hiện chương trình nới lỏng.
Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng thông báo triển khai chương trình mua lại trái phiếu để hạ thấp lãi vay cho các nước thiếu tiền. Giới chuyên gia cũng dự đoán cơ quan này có thể tung thêm một gói kích thích kinh tế hoàn chỉnh để thúc đẩy tăng trưởng toàn eurozone.
Sự suy yếu của các nước phát triển và sức hấp dẫn từ lợi nhuận cao đã khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu châu Á trong năm nay. Theo ADB, chỉ riêng nửa đầu năm, 5.900 tỷ USD đã chảy vào trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ các nước khu vực này, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
ADB cũng khuyên các nước châu Á nên tăng nhu cầu từ các nhà đầu tư trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Nhà băng này cho biết: "Thị trường trái phiếu có rất nhiều thách thức. Vì vậy, các nước cần cải thiện thanh khoản bằng cách nâng số lượng nhà đầu tư nội để thị trường có độ đàn hồi tốt hơn".