Bắt đầu từ 7.10, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng - dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Văn Thu - sẽ tiến hành kiểm tra các dự án du lịch, trong đó có các dự án sân golf, đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh này.

Hy vọng trước động thái dứt khoát, mạnh mẽ này, Lâm Đồng sẽ chấn chỉnh được tình trạng mở rộng các dự án sân golf tràn lan, ngăn chặn tình trạng lấy đất rừng, ruộng lúa, phù phép thành biệt thự.

“Với cách làm “không hẹn trước” lịch kiểm tra, đoàn sẽ bất ngờ “đột nhập” vào các vùng dự án du lịch liên quan đến bất động sản và sân golf. Và, ngày 7.10, đoàn chính thức khởi động chương trình kiểm tra.

Những rừng thông rất đẹp của Đà Lạt đang bị các dự án sân golf xâm hại, nhường đất cho sân golf và mọc lên các biệt thự. Ảnh: Ngọc Huân

Cho đến lúc này, trên địa bàn Lâm Đồng “chỉ có” 6 sân golf đã và đang triển khai xây dựng. Như vậy, so với quy hoạch ban đầu thì số lượng sân golf của Lâm Đồng giảm 5 sân (quy hoạch ban đầu là 11 sân). Điều đáng quan tâm, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trung bình cho mỗi sân golf lớn nhất. Cụ thể, nếu trung bình cả nước, mỗi dự án sân golf chỉ không đến 300ha thì ở Lâm Đồng, con số này lên đến 650ha. Và, tuy là tỉnh miền núi còn nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người không cao nhưng Lâm Đồng lại là tỉnh có số lượng sân golf đứng thứ hai trong cả nước, cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu (cùng 6 sân, chỉ đứng sau Hà Nội 29 sân).

Theo quy định chung về sân golf ở Lâm Đồng thì đối với các dự án đã được cấp phép, diện tích đất đã được giao để làm sân golf chỉ được xây cất các công trình phụ trợ phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của sân golf chứ không được xây dựng các công trình để bán như biệt thự, nhà ở... Thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà đầu tư sân golf rao trên Internet bán các biệt thự nằm trong dự án. Bằng “mắt thường” cũng nhận ra rằng, sân golf K’Rèn ở Đức Trọng có quy mô 36 lỗ sẽ được mọc lên cùng với hệ thống biệt thự 500 căn. Tương tự, ở Lộc Phát (Bảo Lộc), một sân golf cùng với hệ thống bể bơi và nhà hàng sẽ mọc lên song hành với 200 ngôi biệt thự hạng sang. Hoặc như tại huyện Đơn Dương, chủ đầu tư dự án golf cũng không ngần ngại công khai công trình sân golf “đi kèm” với 250 căn biệt thự.

Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg - ngày 26.11.2009 của Chính phủ, thì các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Thế nhưng, theo báo cáo của Công ty cổ phần chè Minh Rồng (Bảo Lâm), sản lượng chè búp tươi của đơn vị trong năm nay sẽ giảm 60% so với bình quân mọi năm (chỉ còn khoảng 1.000 tấn/năm 2010) vì lý do 300ha trong tổng số 420ha chè của đơn vị đã “bị” nằm trong quy hoạch giao cho dự án sân golf Bảo Lộc. Còn đối với sân golf K’Rèn (Đức Trọng), 25ha đất trồng cây công nghiệp của người dân đã phải “nhường chỗ” cho sân golf và 17ha đất trồng lúa và cây công nghiệp nằm ở phía bên kia sân golf cũng đang rơi vào tình trạng “chưa có lối thoát”, bởi khi chủ đầu tư xây dựng sân golf xong, người dân không còn lối qua lại.

Trong hơn một tháng để kiểm tra hàng trăm dự án du lịch, trong đó có 6 dự án sân golf, là thời gian không dài để có thể làm rõ mọi chuyện. Tuy nhiên, cứ hy vọng rằng với cách làm “bí mật” và “bất ngờ”, đoàn kiểm tra liên ngành Lâm Đồng sẽ “ghi điểm” trước dư luận và cấp trên trong việc chấn chỉnh các dự án du lịch, trong đó có các dự án sân golf.

Cafeland.vn - Theo Khắc Dũng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland