14/06/2018 7:24 AM
Tình trạng chiếm dụng phí bảo trì của các chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư lại một lần nữa nổi cộm lên khi Bộ Xây dựng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản hiện nay.

Ảnh minh họa, nguồn: Landsoft.

Theo Bộ Xây dựng, hiện có 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, trong đó 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Đáng nói là, nội dung tranh chấp trong 108 dự án lại tập trung nhiều nhất về vấn đề phí bảo trì chung cư bị chủ đầu tư chiếm dụng.

Khoản phí bảo trì 2% giá trị mua căn hộ là của khách hàng/cư dân. Đây chính là nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng những hạng mục thuộc sở hữu chung của công trình/dự án. Vì thế, việc chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì là hoàn toàn trái pháp luật.

Tuy nhiên trên thực tế những năm qua, tình trạng chiếm dụng này xảy ra tràn lan, nhưng các biện pháp xử lý từ cơ quan chức năng thì thưa thớt hoặc yếu ớt. Vì không giải quyết triệt để tình trạng này cho nên các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài tại nhiều dự án chung cư trên cả nước.

Ở một góc độ khác là khoảng hở của các quy định. Với quy định hiện hành, chủ đầu tư được giữ khoản tiền phí bảo trì trong tài khoản của mình, và đương nhiên là bên nắm đằng chuôi. Còn cư dân, dù đó là tiền của họ nhưng lại phải chịu nắm đằng lưỡi.

Đây chính là sự bất cập của quy định giúp cho các chủ đầu tư cậy thế mà không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao nhỏ giọt phí bảo trì lại cho ban quản trị chung cư. Muốn giải quyết triệt để tình trạng này để cải thiện tình hình, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, thì các quy định về phí bảo trì chung cư cần được điều chỉnh.

Thứ nhất, quy định về thời điểm đóng phí bảo trì cần thiết lùi đến khi khách hàng nhận giấy chủ quyền hoặc khi ban quản trị được thành lập. Khoản phí bảo trì phải được nộp và giữ trong một tài khoản phong tỏa để chủ đầu tư không thể chiếm dụng trục lợi hoặc sử dụng cho mục đích khác; nguồn kinh phí bảo trì nằm trong “vùng trung lập” thì phía cư dân cũng không thể sử dụng được.

Sau khi ban quản trị được thành lập, nguồn kinh phí này mới được chuyển giao lại sử dụng cho việc bảo trì chung cư về sau. Như vậy, chủ đầu tư không thể “mượn đầu heo nấu cháo” đối với số tiền mà khách hàng đã đóng vào, đồng thời cư dân cũng cảm thấy yên tâm với số tiền mình chi ra không bị chủ đầu tư chiếm dụng.

Thẩm Hồng Thụy (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.