Chỉ còn một tuần nữa, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng khi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chính thức có hiêu lực. Đây quả là tin vui và niềm mong đợi của không ít người. Tuy nhiên, vẫn có người tỏ ra thờ ơ, vì họ cho rằng, vay được tiền mua nhà không phải đơn giản.

Trao đổi về thông tin này, anh Hải Minh, tổ 39, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, nguyên tắc vay vốn là phải chứng minh được khả năng trả nợ, đây là điều kiện tiên quyết. Nhưng việc chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ không hề dễ. “Vợ chồng tôi làm nghề buôn bán tự do, thu nhập của tôi có thể lên tới 15 triệu/tháng, vợ cũng thu nhập khoảng 6-7 triệu/ tháng. Thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng trên 20 triệu/ tháng nhưng để chứng minh được nguồn thu nhập này là rất khó nên không có căn cứ để thuyết phục ngân hàng. Cách đây nửa năm, tôi cũng định mua nhà bằng gói vay 30 nghìn tỷ, nhưng không được vì tôi không chứng minh được thu nhập hay nguồn trả nợ. Vì thế nghe thông tin này đúng là mừng thật nhưng cá nhân tôi cũng không hy vọng gì”- anh Minh chia sẻ.

Mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua.

Gần giống anh Minh, chị Kiều Chinh (Hạ Đình, Thanh Xuân) cũng từng lỡ khoản vay mua nhà bằng gói 30 nghìn tỷ. Dù là công nhân, viên chức lao động nhưng thu nhập quá thấp, không đạt yêu cầu nên ngân hàng không cho vay. “Chính sách này mở lối cho những người như tôi nhưng không phải ai cũng có thể bước vào. Thế nhưng tôi đọc nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sắp có hiệu lực sẽ nới thêm điều kiện cho người mua nhà vay tiền. Vì thế tôi rất hy vọng. Song, mới đây, một người bạn làm ngân hàng nói rằng, tôi vẫn phải chứng minh được khả năng trả nợ. Thu nhập nhà tôi vẫn thế thì chứng minh kiểu gì. Bạn tôi bảo, chỉ trừ khi nhà nước xây nhà 300 triệu đổ xuống thì tôi mới có cơ hội. Ví dụ, tôi có khoảng 100 triệu thì có thể vay thêm 200 triệu để mua. 200 triệu đó tôi trả trong 15 năm thì mỗi tháng tạm tính tôi phải trả ngân hàng khoảng 1,3 triệu. Như vậy tôi mới có cơ để mua nhà”- chị Chinh nói.

Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, điều kiện được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, gồm: Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.Có đủ hồ sơ chứng minh theo quy định. Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi tại ngân hàng khác để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định của nghị định này và của pháp luật về nhà ở. Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. Ngân hàng cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải quy định rõ phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm trong hợp đồng ba bên.

Trao đổi với LĐTĐ, luật sư Trần Trung Kiên (Cty Luật TNHH Kiên và Cộng sự) cho biết, mức cho vay 80% không phải là một quy định mới vì trong các văn bản trước đây, chủ trương vẫn là cho vay không quá 80%. Tuy nhiên, Nghị định 100 đã cụ thể hóa các điều kiện, tiêu chuẩn về việc thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, các điều kiện về vay vốn, thời hạn vay,...Điều đó giúp cho các cơ quan liên quan thuận lợi hơn trong việc áp dụng. Nhưng điểm then chốt của điều kiện vay vốn thì Chính phủ vẫn phải dành quyền đó cho bên ngân hàng quy định vì Chính phủ không có chế độ bảo lãnh cho các khoản vay đó. Ngân hàng cho vay và tự chịu trách nhiệm. Do đó, bản thân ngân hàng cho vay theo qui định vẫn có các chế tài để hạn chế rủi ro. Và điều quan trọng nhất vẫn là nguồn và khả năng trả nợ.

“Nếu người vay không chứng minh được nguồn và khả năng trả nợ thì khó có thể vay. Trong khi đó, để chứng minh nguồn và khả năng trả nợ là không đơn giản. Đối với CNVCLĐ, thu nhập thường xuyên (như tiền lương, tiền công) được trả qua tài khoản thì sẽ tạo được niềm tin cao hơn với ngân hàng. Còn nếu lương trả bằng tiền mặt, tài liệu chứng minh sẽ là "phiếu lương", "sổ lương" ,… thì ngân hàng có thể không tin vì cho rằng căn cứ đó người vay tiền có thể chế ra được. Khâu này rất có thể nảy sinh tiêu cực giữa nhân viên ngân hàng làm hồ sơ vay với người vay. Đối với người làm nghề tự do hay công việc không ổn định thì việc vay lại càng khó hơn”- luật sư Kiên phân tích.

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ; lãi suất cho vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước cho từng thời kỳ. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn
Thương Huế (Lao Động TĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.