Có một điểm chung giữa những vụ lùm xùm tại các khu đô thị diễn ra gần đây là mâu thuẫn chỉ xảy ra khi cư dân bắt đầu chuyển đến dự án sinh sống. Hầu hết các dự án này đã được mua bán trong thời kỳ thị trường BĐS còn đang sốt nóng nên khi ấy, người mua nhà không mấy quan tâm đến các điều khoản của hợp đồng, mà chỉ cốt mua được nhà. Chỉ khi chuyển đến ở, họ mới thấy những bất cập trong các quy định của chủ đầu tư. Thế nhưng, cái khó với họ là hợp đồng đã ký rồi nên họ phải đấu tranh để đòi đàm phán lại các điều khoản. Những vụ việc như thế mới bùng nổ và số lượng những vụ việc như thế sẽ không dừng lại.
Nếu như hai bên không giải quyết được mâu thuẫn, thì khi người dân kiện ra tòa, xử lý vụ việc phải căn cứ vào các yếu tố nào khác nữa để có thể đảm bảo những quyền lợi chính đáng của người dân?
Nếu các tranh chấp phải đưa ra phán xử tại tòa án thì dĩ nhiên, tòa án phải căn cứ trước tiên vào các điều khoản trong hợp đồng. Nhưng, việc phân xử cũng còn phải căn cứ vào các quy chế khác, chẳng hạn quy định của pháp luật về phí quản lý. Ví dụ: tuy hợp đồng quy định phí quản lý do chủ đầu tư quyết định nhưng chủ đầu tư vẫn phải chịu sự quản lý của ngành tài chính.
Tuy nhiên, theo tôi, các sự việc tranh chấp như vừa rồi chỉ dừng lại ở việc khiếu nại rồi thỏa thuận, chứ chưa đến mức kiện chủ đầu tư ra tòa. Bởi nếu kiện ra tòa, sự việc có được xử lý cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong vụ Keangnam mới đây, do chủ đầu tư rất cứng rắn nên sự việc mới căng thẳng như thế. Song, vụ lùm xùm ở Keangnam đã gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội nhiều người nên chính quyền đã phải vào cuộc. Vì vậy, theo tôi, chỉ trong khoảng một tháng nữa, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Để tránh những vụ việc như thế tiếp diễn, theo ông, phía cơ quan quản lý cần phải làm những gì?
Trong tương lai, Hà Nội sẽ có khoảng 50 - 60% dân cư sống trong các chung cư, khu đô thị nên Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể về quản lý chung cư, với những quy định rõ ràng. Cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư từ khi bắt đầu xây dựng đến việc bán hàng, làm sổ đỏ cho người mua, quản lý chung cư sau khi bàn giao cho khách hàng (phí thu ra sao, ai là người quản lý, quyền hạn chủ đầu tư đến đâu, bên nào sẽ thực hiện giám sát quy trình này).
Hiện nay, thị trường BĐS trầm lắng khiến người mua nhà có nhiều quyền hơn. Vậy theo ông, người mua nhà cần phải lưu ý những gì để tránh những rắc rối, tranh chấp với chủ đầu tư sau này?
Tôi nghĩ người mua nhà quan tâm nhất lúc này vẫn là giá cả và họ có thể thỏa thuận giá với chủ đầu tư. Tuy nhiên, người mua nhà cũng cần chú ý đến quyền lợi của mình, đến việc sản phẩm có hoàn chỉnh hay không. Một khi chuyển đến ở thì có quy định nào trói buộc quá phi lý không, mức phí có quá cao không, có được thành lập ban quản trị dân cư không để có thể đề nghị sửa đổi hoặc cân nhắc xem có nên mua tiếp hay không?
Thời gian qua, tôi có tham gia đàm phán mua nhà cho nhiều người và nhận thấy nhiều khách hàng phản ứng rất quyết liệt với những hợp đồng có những điều khoản phi lý. Thậm chí, có khách hàng còn đòi lấy lại tiền hoặc buộc chủ đầu tư phải đàm phán các thỏa thuận lại các quy định, dù những quy định trong hợp đồng không hoàn toàn vô lý.
Điều ấy chứng tỏ thế thượng phong của người mua nhà hiện nay. Và, nếu khách hàng nào cũng ý thức được việc đó thì những vụ tranh chấp như đã và đang diễn ra sẽ rất khó căng thẳng!