Là địa phương thu hút nhân lực lao động ngoại tỉnh mạnh nhất trong các tỉnh thành miền Bắc, Thủ đô Hà Nội nhiều năm nay càng trở nên đất chật người đông dù diện tích đã gia tăng kể từ khi quy hoạch mở rộng, việc người ngoại tỉnh tới mua đất, xây dựng nhà cửa thường không tránh khỏi trở ngại.
Sổ đỏ đất làng, khó lắm!
Khi BĐS rớt giá thê thảm, cộng thêm khắp nơi là hàng tồn kho, rất nhiều người lao động đang trong cảnh đi thuê dài hạn đã khấp khởi niềm hy vọng có thể "tậu" cho mình một "tấc đất cắm dùi" ở Thủ đô. Trong lượng cầu đầy tiềm năng này, phải kể tới những gia đình ngoại tỉnh đã sẵn sàng "khăn gói quả mướp" lên Hà Nội để tìm mua nhà, đất, tạo thuận lợi về ăn ở cho con cái học tập, làm việc lâu dài. Tuy nhiên, sau gần 3 năm địa ốc "giá lạnh", thực tế cho thấy chỉ có phân khúc chung cư trung, cao cấp giảm giá sâu. Còn lại, nhà, thổ cư pháp lý tốt ở thị trường Hà Nội thì không có chuyện giảm giá (trừ "dính" quy hoạch, hoặc quá xa trung tâm, hạ tầng kỹ thuật gần như không có).
Khả năng tài chính tự chủ của người lao động bám trụ tại Thủ đô, thường dựa vào tích lũy năm này qua năm khác. Vì vậy, sản phẩm BĐS mục tiêu của họ thường là các mảnh đất nằm trong làng xã rải rác cách trung tâm hồ Hoàn Kiếm khoảng 8-12km. Theo đó, khu vực làng Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), làng Triều Khúc (Thanh Trì), làng Phú Đô, Nhân Mỹ, Đình Thôn, Ngũ Xá, Vạn Phúc (Hà Đông)… được "săn lùng" từng ngày.
Điều thuận lợi khi tìm mua những mảnh đất làng, đó là thông tin luôn sẵn sàng cung cấp từ những người bản xứ. Nhưng gian nan hơn hết là chuyện "hậu mua bán". Tháng 8/2007, gia đình ông Sáng (quê Nam Định) "chấm" được mảnh đất 50m2 vị trí mặt ngõ ô tô con vào được ở Phùng Khoang. Thanh toán trọn vẹn hợp đồng với giá trị gần 650 triệu đồng, vợ chồng ông cùng hai người con yên ổn sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 cơi nới xây tạm trên mảnh đất.
Một năm sau, ông Sáng quyết định tới cơ quan quản lý sở tại để làm thủ tục xin cấp sổ đỏ theo cam kết cùng thực hiện với chủ đất đã bán. Hồ sơ mua bán hoàn toàn hợp pháp, nhưng công đoạn sổ đỏ khu đất bị "tắc" do chủ đất (mảnh đất được tách ra bán trong hơn 100m2) không cho gia đình mượn sổ đỏ đi phô tô công chứng.
Việc người phương xa tới mua đất, xây dựng nhà cửa thường không tránh khỏi trở ngại từ chính những hàng xóm sát vách
Giằng dai hơn 2 năm trời mới thuyết phục được chủ nhà (cộng thêm khoản tiền 10 triệu đồng) cho mượn. Tuy nhiên, cái khó vẫn chưa buông tha. Một trong những người con đẻ (có quyền thừa kế mảnh đất) của bên bán không chịu ký làm thủ tục tách sổ đỏ. Tình, lý đều không xong, gia đình ông Sáng buộc lòng phải "chung chi" thêm 10 triệu để nắm trong tay giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.
Xây nhà bị dọa phá
Rất nhiều trường hợp các hộ gia đình va chạm, tranh chấp dẫn tới "người nhập viện, kẻ hầu tòa" chỉ vì vài thước đất, hay thậm chí chỉ… vì cái hàng rào ngăn cách. Đó là chuyện như cơm bữa ngay trong lòng nội đô, ở các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa. Còn ở những khu vực "nửa quê, nửa tỉnh" (mới hoặc đang chuẩn bị từ huyện thành quận, hoặc xã lên thị trấn), vô khối tình huống xảy đến khi những gia chủ (không phải người bản xứ) động tới viên gạch, xô vữa để cải tạo, nâng cấp nhà cửa.
Hòa trong không khí tấp nập xây dựng ở huyện Từ Liêm (nay là hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), gia đình ông Sáng nêu trên cũng quyết định cơi nới, cải tạo căn nhà cấp 4 ngay từ thời điểm ra Giêng năm Giáp Ngọ. Tâm lý vội vã, "ngại" thủ tục xin phép xây dựng, cộng thêm mùa mưa chuẩn bị tới là lý do khiến gia chủ "quên" chưa xin xét duyệt của cơ quan hữu trách. Tình trạng "tiền trảm hậu tấu" kiểu này diễn ra theo… phong trào ở nhiều làng, xã thuộc Từ Liêm thời gian gần đây. Kèm theo đó, đủ trường hợp "ma cũ bắt nạt ma mới" nhằm vòi vĩnh kiếm tiền.
Cụ thể, khi bắt đầu phá căn nhà cũ, ông Sáng không hề bị hàng xóm liền kề (người chủ đất cũ, sinh sống nhiều đời tại làng Phùng Khoang) nhắc nhở về ranh giới giữa hai công trình. Thậm chí, ông còn được hàng xóm tạo điều kiện cho để vật liệu xây dựng trước hông nhà. Niềm vui "ngắn chẳng tày gang", ngôi nhà mới của ông Sáng hoàn thiện xong thô, bỗng nhiên gia đình hàng xóm sang yêu cầu ông phá dỡ bức tường còn nguyên mùi xi măng vì cho rằng… bị xây lấn diện tích (hai nhà đều có tường riêng) và đặc biệt hơn, "lệ làng" là hai nhà cạnh nhau phải có khoảng không vài thước (!)
Giải thích tường tận về ranh giới tiếp giáp của hai mảnh đất nhưng ông Sáng chỉ nhận được lời đe dọa "không tự phá thì chúng tôi sẽ thuê cửu vạn sang đập tường". Những gia đình xung quanh hiểu chuyện, khuyên gia đình ông nên "thỏa thuận bồi thường" cho xong. Đồng thời, là lao động chân chất thuần túy, ngại va chạm, cũng như không am hiểu tường tận về pháp luật xây dựng, gia đình ông không còn cách nào khác phải thực hiện lời khuyên trên – đương nhiên, chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng theo đó cũng đội lên đáng kể…