Đã có rất nhiều vụ lừa đảo bán đất trên giấy với số tiền các nạn nhân bị lừa từ vài chục tới vài trăm tỉ đồng. Nhưng, trên thị trường bất động sản hiện nay, việc bán đất trên giấy vẫn diễn ra rất phổ biến bởi "tâm lý đám đông" của người mua và cũng sự tính toán đã đầu tư muốn có lợi lớn thì phải chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào những dự án "còn non" thì mới có giá rẻ.

Tuy nhiên, mỗi người hãy là "người tiêu dùng thông thái" khi quyết định "xuống tiền" vào một dự án nào đó để không "tiền mất nợ mang"…

"Bán vịt trời" ở dự án Khu đô thị Nam 32

"Dự án Nam 32 là dự án hấp dẫn dành cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp lớn và nhỏ: với quy mô dự án lên tới 48 ha, vị trí dự án cách trung tâm Hà Nội 6 km... Loại hình dự án: khu dân cư đô thị mới. Hiện dự án đã tiến hành làm cơ sở hạ tầng, đây là một cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư. Dự án nằm trong quần thể của nhiều dự án lớn và chủ đầu tư là một doanh nghiệp của quân đội rất uy tín trong lĩnh vực xây dựng: Công ty CP ĐT&PT Lũng Lô 5... Hiện tôi đang có 1 số diện tích: 85m2 đường 11.5m. Giá bán 32.5 tr/m2. Giá gốc 14.200.000 VND/m2; đóng 30% vào giá gốc…".

Khoảng vài tháng nay, trên mạng xuất hiện nhan nhản những thông tin kiểu này. Thậm chí khi vào trang google.com.vn chỉ cần đánh dòng chữ "bán đất dự án đô thị Nam 32 của Lũng Lô 5" lập tức sẽ có tới hơn…. 1 triệu kết quả nội dung tượng tự như trên đủ thấy dự án này đang là hàng "hót" trên thị trường nhà đất Hà Nội. Ai cũng biết từ sau tết Nguyên đán tới nay, đất nền dọc trục đường 32 đang là điểm thu hút rất nhiều người đầu tư bởi khi con đường 32 nâng cấp hoàn thành với hai làn rộng rãi, hàng loạt dự án bất động sản sẽ được ăn theo hạ tầng này. Vì vậy giá đất nền tại các dự án như Tân Tây Đô, Hoàng Quốc Việt kéo dài, Vân Canh đều được chào bán ở mức 60-80 triệu/m2.

Ngay cả dự án ở xa hơn là Phoenix Garden tại huyện Đan Phượng cũng không có giá 32,5 triệu/m2 như vậy. Thậm chí ngay cả đất trong làng, đường vào hai xe máy tránh nhau còn khó cũng được chủ nhà "hét" tới hơn 20 triệu đồng/m2. Vì thế với dự án Nam 32 này, mức giá như vậy quả là hấp dẫn.

Theo địa chỉ mà những người bán đất để trên mạng, chúng tôi đã tìm đến một số sàn bất động sản. Khi biết chúng tôi có nhu cầu đầu tư dự án Nam 32, một nhân viên sàn bất động sản trên đường Láng lập tức lấy ra tấm bản đồ dự án và quảng cáo hiện anh ta đang có 3 lô. Giá gốc là 13,5 triệu đồng/m2; giá bán 36 triệu đồng/m2. Khi ký hợp đồng, khách sẽ phải trả tiền trước 30% giá trị hợp đồng, vào khoảng gần 350 triệu đồng và "tiền chênh” là hơn 1,7 tỉ đồng. Tổng cộng để mua một lô đất có diện tích 83,3m2, khách sẽ phải "xuống tiền” gần 2,1 tỉ đồng.

Nhưng khi tôi đề nghị cho xem giấy tờ; hợp đồng mẫu và hỏi có ký được trực tiếp với chủ đầu tư hay không thì anh này cho biết sàn cũng chỉ là nơi người ta gửi hàng thôi, "nếu đầu tư ở đây thì cũng phải "cứng vía" một chút vì do thời điểm này dự án đang hoàn tất thủ tục nên chủ đầu tư họ không ký trực tiếp với khách hàng mà khách sẽ ký hợp đồng góp vốn với thứ cấp". Không những thế, hợp đồng sẽ là "hợp đồng đóng", tức là ký xong thì hợp đồng này sẽ được dán niêm phong trong phong bì. Khi tôi đặt vấn đề vậy lấy gì để chắc chắn là mảnh đất tôi định đầu tư sẽ là của tôi trong tương lai, anh này khẳng định "anh yên tâm đi, chỗ này làm ăn đàng hoàng. Em đảm bảo anh đầu tư chỗ này vài tháng nữa chắc chắn lãi lớn".

Chúng tôi tìm tiếp tới một sàn bất động sản ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và sau đó sang một sàn bất động sản trên đường Phạm Hùng, chúng tôi tiếp tục nêu thắc mắc về “hợp đồng đóng".

Lý giải việc phải ký "hợp đồng đóng", nhân viên tên Dũng cho biết đây là cách mà các công ty thứ cấp "rút kinh nghiệm" từ vụ Công ty 1-5 bán đất dự án Thanh Hà, nên làm thế để khách hàng không thể "lướt sóng" ngay được mà phải chấp nhận đầu tư thật. "Nhưng anh yên tâm, chủ đầu tư này rất uy tín. Cả tháng nay khách đến hỏi dự án này rất nhiều, bọn em cũng bán được mấy lô rồi. Chủ đầu tư này "tinh tướng" lắm, bạn em hôm trước cầm 70 tỉ đến xin được đầu tư mà họ còn không thèm nhận nên đây đang là "hàng hot", anh phải quyết định nhanh vì với mức giá này, để vài tháng nữa là lãi to". Quả thực, nghe những lời quảng cáo này, khó ai có thể "cầm lòng" trước món lời dường như đã trong tầm tay nên chỉ còn chờ thời gian nữa mà thôi.

Vậy dự án Nam 32 là dự án gì mà lại hấp dẫn như vậy? Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm về nơi đặt dự án. Tuy nhiên, theo Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức thì đúng là Công ty Lũng Lô 5 có được thành phố giao đất lập dự án này nhưng hiện chủ đầu tư vẫn còn đang làm thủ tục và chưa đền bù cho dân. Chúng tôi đã ra tận nơi và quả thực ở chính nơi được quảng cáo là dự án khu đô thị Nam 32 hiện vẫn còn ruộng đang bỏ không cho bèo tây và cỏ dại mọc.

Vấn đề đặt ra là đất dự án này vẫn còn là của dân, vậy tại sao các sàn bất động sản đều đã có bản đồ dự án và phân lô bán thoải mái như vậy? Khi vào website của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 để tìm thông tin về dự án từ chủ đầu tư thì chúng tôi chỉ tìm được bản đồ phối cảnh và thông báo với nội dung "Hiện nay, dự án Nam đường 32 đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật, tuy nhiên trên thị trường bất động sản đã và đang có một số thông tin không chính xác về việc giao dịch chuyển nhượng. Đề nghị các khách hàng, nhà đầu tư quan tâm đến dự án xin liên hệ trực tiếp với Công ty để có được các thông tin đầy đủ và chính xác về dự án. Mọi thông tin về dự án xin liên hệ: ông: Trần Xuân Nghiên. Chức vụ: Trưởng phòng dự án. Điện thoại: 043 5665968.

Mua đất trên giấy - rước họa vào nhà!
Khu đất dự án khu đô thị Nam 32 hiện vẫn là ruộng.
Mua đất trên giấy - rước họa vào nhà!
Bản đồ lô đất mà sàn bất động sản đưa ra để chào khách.

Không những thế, cái cách mà các sàn đang rao bán đất dự án Nam 32 này không khác gì vụ Công ty 1-5 bán đất dự án Thanh Hà năm ngoái. Tức là sau khi ký hợp đồng, khách hàng phải chấp nhận niêm phong hợp đồng. Và như vậy thì trời mới biết liệu mảnh đất mình đã mua ấy có thật hay không và liệu nó có bị bán cho vài người một lúc hay không.

Để tìm câu trả lời, ngày 29/4/2011, tôi và một đồng nghiệp ở báo An ninh Thủ đô đã trực tiếp liên hệ làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5. Tiếp chúng tôi là ông Đàm Minh Đức, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính - nhân sự. Khi nghe chúng tôi đề nghị muốn tìm hiểu thông tin chính thức từ chủ đầu tư về dự án khu đô thị Nam 32, ông Đức cho biết hiện lãnh đạo công ty đều đi vắng và "công ty chưa có chủ trương truyền thông về dự án".

Khi chúng tôi nói rõ rằng mục đích của chúng tôi không phải đến để "truyền thông dự án" mà chỉ quan tâm hiện công ty đã có chủ trương huy động vốn hay không bởi trên thị trường hiện đang rao bán rất nhiều thì ông Đức trả lời "dự án này có tổng diện tích gần 50 ha và hiện công ty đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng nên hội đồng quản trị công ty chưa hề có chủ trương bán hàng tại dự án này. Thời gian gần đây chúng tôi cũng phải nhận rất nhiều điện thoại của người dân gọi đến hỏi mua đất tại dự án này. Thậm chí có nhà đầu tư còn đến tận nơi xin góp vài chục tỉ để mua cả lô". Theo ông Đức, nếu chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về dự án thì ông phải báo cáo lãnh đạo vì chỉ lãnh đạo công ty mới trả lời được cụ thể.

Như vậy, với những thông tin ít ỏi mà ông Đức cung cấp thì rõ ràng đến thời điểm này, Công ty Lũng Lô 5 chưa hề bán đất tại dự án Nam 32. Còn nhiều câu hỏi khác thì có lẽ phải chờ đến cuộc làm việc chính thức với lãnh đạo Công ty Lũng Lô 5 chúng tôi mới có câu trả lời. Tuy nhiên, những người đang có ý định đầu tư vào dự án này cần cảnh giác và tỉnh táo để không lâm vào cảnh "tiền mất nợ mang” như hàng trăm khách hàng của Công ty 1-5.

Ẩn họa từ việc bán đất trên giấy

Ai cũng biết việc mua bán đất trên giấy theo dạng hợp đồng góp vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất trắng, nhất là hợp đồng ấy lại không ký trực tiếp với chủ đầu tư mà thường qua các thứ cấp. Vụ Công ty 1-5 với tư cách là nhà đầu tư thứ cấp đã ký hàng trăm hợp đồng góp vốn với khách hàng có nhu cầu mua đất tại dự án Thanh Hà thu về hàng trăm tỉ đồng trong khi chủ đầu tư đã hủy hợp đồng hợp tác với Công ty 1-5 là một ví dụ điển hình.

Hay vụ Lê Mãn Thân, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc dầu khí, dù chẳng có một mét đất ở các dự án nhưng bằng cái mác Giám đốc của Công ty có cái tên "nửa nạc nửa mỡ" Petroconex đã khiến khối người nhầm tưởng đó là công ty liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí và Tổng công ty Vinaconex, đã huy động được hơn 10 tỉ đồng của khách hàng có nhu cầu mua đất tại dự án Thanh Hà, Văn Khê, An Hưng...

Sau nhiều lần hẹn mà không thấy đất cũng chẳng đòi được tiền, các khổ chủ mới biết mình bị lừa và họ đã phải lặn lội đi khắp nơi mới… bắt được Thân về giao nộp cho cơ quan công an khi gã này đang… nằm khểnh trong khách sạn và tiêu bằng tiền của họ.

Đầu tháng 3/2011, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng vừa bắt Giám đốc, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đài Việt vì hành vi lừa đảo bán đất dự án Indochina Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội) của Tập đoàn Nam Cường. Điều đáng nói là các nạn nhân của vụ này đã bị chính các sàn bất động sản đưa đi gặp và giao tiền cho kẻ lừa đảo.

Khi bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt quả tang, Tạ Tất Toàn (36 tuổi, trú tại số 24/42, ngõ Chùa Hưng Ký, đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đài Việt cùng đồng bọn là La Quốc Đạt và Nguyễn Hoàng Hải mới khai nhận: Toàn đã làm giả các tài liệu (văn bản đồng ý của UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Indochina làm chủ đầu tư dự án Dương Nội, giấy ủy quyền huy động vốn của Công ty Indochina cho Công ty Đài Việt, bản đồ thửa đất...), làm giả con dấu của UBND TP Hà Nội, Cty Indochina và chỉ đạo Hải, Đạt sử dụng để lừa khách hàng. Tổng cộng nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt được của một số khách hàng với số tiền hơn 4 tỉ đồng.

Một vụ lừa đảo tinh vi nữa mới bị Công an Hà Nội bắt thời gian gần đây là vụ Nguyễn Quốc Hưng, nhân viên Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và vợ là Nguyễn Thị Họa My (26 tuổi, trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã làm sổ đỏ giả để lừa đảo bán đất dịch vụ, đất giãn dân ở huyện Hoài Đức.

Tại cơ quan công an, vợ chồng lừa đảo này khai rằng để làm giả 7 sổ đỏ trên, My đã nhờ Hưng lấy phôi sổ tại Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Phúc Yên rồi điền thông tin về các mảnh đất, sau đó lên mạng Internet thuê người không quen biết làm giả con dấu của UBND huyện Hoài Đức và dấu chức danh Phó chủ tịch UBND huyện với giá 18 triệu đồng. Sau khi Hưng làm xong phôi sổ, My tự ký, đóng dấu giả vào sổ rồi đưa cho các nạn nhân. Hưng và vợ lừa bán cho các nạn nhân có nhu cầu mua đất tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, chiếm đoạt hơn 6,4 tỉ đồng.

Hậu quả từ những vụ lừa bán đất là rất lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm kinh tế - Công an Hà Nội thì sở dĩ các đối tượng lừa đảo vẫn có thể cho rất nhiều người vào bẫy là vì đã đánh trúng vào… lòng tham của những người đầu tư.

Có một câu nói rất hay, đó là "miếng pho mát không mất tiền chỉ có ở trong bẫy chuột". "Dân gian" cũng có câu "của rẻ là của ôi…". Vì vậy, những người có "niềm đam mê đất cát" hãy tỉnh táo để đừng trở thành nạn nhân
Theo Nguyễn Thiêm (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland